Các tỉnh phía Nam đảm bảo cung ứng hàng thế nào khi giãn cách

0
281
cac-tinh-phia-nam-dam-bao-cung-ung-hang-the-nao-khi-gian-cach

Các tỉnh phía Nam cho biết đã có kịch bản cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân khi thực hiện giãn cách, song vẫn lo khâu vận chuyển gặp khó khăn.

Việc cung ứng hàng hoá thiết yếu (thực phẩm tươi sống, rau, củ quả…) được dự báo sẽ khó khăn khi toàn vùng Đông – Tây Nam bộ gồm 19 tỉnh, thành phong toả diện rộng để phòng chống Covid-19 từ 0h ngày 19/7, trong đó 3 nơi đang thực hiện và bổ sung 16 địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã chuẩn bị các kịch bản cụ thể về cung ứng hàng hoá trên cơ sở nhu cầu người dân, khả năng cung cấp nguồn hàng tại địa phương và các tỉnh lân cận. “Hiện tỉnh vẫn chủ động được nguồn hàng cung cấp cho thị trường”, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Tại Bến Tre, sau thông tin sẽ thực hiện giãn cách, nhiều người dân đã đổ tới các chợ, siêu thị mua đồ tích trữ khiến xảy ra khan hiếm hàng cục bộ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Phó giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết, hiện tình hình đã ổn định hơn nhờ công tác điều phối hàng kịp thời. Tỉnh này đã lập tức kích hoạt kịch bản phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn, lẻ và điều hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu.

“Nguồn hàng trong các doanh nghiệp cung ứng, phân phối của tỉnh hiện đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội”, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre thông tin.

cac-tinh-phia-nam-dam-bao-cung-ung-hang-the-nao-khi-gian-cach
Người dân TP HCM đi siêu thị mua thực phẩm khi thành phố giãn cách xã hội.

Việc thông suốt luồng xanh vận tải và mở thêm luồng xanh cho tuyến đường thuỷ vận chuyển hàng hoá giữa Vĩnh Long – Bến Tre – Tiền Giang và TP HCM, theo bà Quỳnh Anh, sẽ tăng thêm nguồn cung hàng thực phẩm cho 4 tỉnh, thành phố, hạn chế tối đa đứt gãy hàng hoá.

Tương tự, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, tỉnh này đảm bảo nguồn cung rau củ quả cho người dân và đang tìm kiếm thêm các nguồn cung thực phẩm từ các hộ trồng, vựa trồng trong tỉnh.

Từ thực tế về gián đoạn nguồn cung cho TP HCM trong một tuần thực hiện giãn cách vừa qua, ông Thiện cho rằng, không để các doanh nghiệp tự kết nối các đầu mối hàng, mà sẽ có vai trò điều tiết của Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm, phân phối cũng cho biết đã chuẩn bị kịch bản về nguồn hàng khi nhiều tỉnh miền Nam giãn cách diện rộng.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân cho hay, doanh nghiệp không lo về nguồn hàng. Hiện hai nhà máy, ba trang trại của công ty đều đang thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, nên không bị gián đoạn sản xuất. Doanh nghiệp này cho biết đảm bảo cung cấp trứng, thịt gia cầm cho các chợ, siêu thị, điểm bán lẻ… ở TP HCM và một số tỉnh miền Tây khi có nhu cầu.

Saigon Co.op cũng chuẩn bị mọi phương án để thích ứng. “Chúng tôi đang kiểm tra, rà soát lại thủ tục của từng địa phương để chuẩn bị các phương án tốt nhất, đặc biệt trong trường hợp mỗi nơi một quy định riêng”, đại diện siêu thị nói.

Là một trong số những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc VFood cho biết, công ty vẫn đảm bảo nguồn cung trong trường hợp kịch bản thị trường xấu nhất. Bởi các trang trại chăn nuôi của công ty đã cắm lều trại và làm việc tại chỗ, không tiếp xúc bên ngoài. Do đó, không lo bị lây nhiễm dịch bệnh hay gãy chuỗi sản xuất. “Chúng tôi chỉ lo khâu lưu thông giữa các tỉnh thiếu đồng bộ, còn lại mọi thứ đều đảm bảo khi cung ứng hàng hóa”, ông Thiện chia sẻ.

Việc giá cả nguy cơ bị đẩy lên cao khi các tỉnh giãn cách diện rộng cũng được lãnh đạo các sở, ngành địa phương nêu tại cuộc họp lưu thông, cung ứng hàng hoá của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với các tỉnh phía Nam ngày 18/7.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu, khi tỉnh này thực hiện giãn cách sẽ đối diện hai khó khăn lớn, là sức mua tăng vọt của người dân và việc vận chuyển hàng từ các địa phương khác về tỉnh gặp khó do kiểm soát dịch. Điều này sẽ dẫn tới giá cả bị đẩy lên cao.

Ngoài chủ động phương án từ địa phương, ông Đồng kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có thông tin cụ thể về từng nguồn hàng lớn ở từng địa phương, để mỗi tỉnh chủ động tổ chức xe mua bán, vận chuyển hàng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang cũng lo “nghẽn” khâu vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương khi thực hiện giãn cách diện rộng.

Không chỉ vậy, việc vận chuyển nông sản qua nhiều chốt kiểm dịch, làm kéo dài thời gian khiến tỷ lệ hư hỏng cao, đội giá bán. Ông đề nghị các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt, điều tiết để thông thương hàng hoá thuận lợi hơn, thông suốt từ vùng sản xuất tới nơi có nhu cầu, tiêu thụ. Ngành y tế tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi cho xe vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Thực tế, 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội tại TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã cho thấy việc cung ứng hàng hoá bị đứt đoạn. Có thời điểm người dân TP HCM xếp hàng dài tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng nhưng khi tới lượt thì kệ trống trơn khiến không ít người bức xúc. Kênh đặt mua hàng trực tuyến cũng liên tục nghẽn, giao hàng chậm…

Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, các vùng, miền thời gian qua cũng chưa thông suốt, tắc nghẽn cục bộ…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, diễn biến dịch đang phức tạp, nghiêm trọng và tính chất hoàn toàn khác so với trước đây. Dịch có thể bùng phát mạnh hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thuốc men… Do đó, việc lưu thông sẽ khó khăn hơn và nếu không giải quyết được sẽ nảy sinh vấn đề xã hội nên “trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu”.

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam nhận định, 16 tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16 ít nhiều sẽ gặp khó khăn và tình hình sẽ thay đổi từng giờ. Ông nói, cần xác định tính chất thời điểm hiện nay như đang là “thời chiến” vì dự kiến hàng hóa sẽ có những xáo trộn.

Cũng theo ông Hải, hiện nay khác và rất khác so với bình thường nên có một vài nơi hàng hóa thiếu, giá cao là chuyện bình thường. Hơn nữa, tại các chợ đầu mối ở TP HCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây khó khăn cho các tỉnh, thành khác do thiếu đầu ra và nơi cung cấp hàng hóa.

Rút kinh nghiệm từ TP HCM, ông Hải đề nghị các tỉnh không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm bán lưu động.

Để tránh hiện tượng găm hàng, đẩy giá, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng kiểm tra, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here