TS Vũ Thành Tự Anh: ‘Nên chấp nhận để kinh tế chịu đau ngắn hạn’

0
1829
ts-vu-thanh-tu-anh-nen-chap-nhan-de-kinh-te-chiu-dau-ngan-han

Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, đã tới lúc chấp nhận tổn thương ngắn hạn để rộng đường ra quyết định chống dịch.

– Các biện pháp chống dịch của chúng ta ở đợt dịch lần này, theo ông, tại sao vẫn chưa mang lại kết quả như các đợt dịch trước?

– Ở các đợt trước, khi có thể truy vết, khoanh vùng, dập dịch gọn gàng, Việt Nam đã duy trì được hoạt động kinh tế gần như bình thường. Nhưng lần này, biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, quy mô dịch lan rất rộng, hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch truyền thống như truy vết, cách ly, khoanh vùng… bị suy giảm, khiến lượng nhiễm Covid-19 tăng đột biến theo cấp số nhân.

ts-vu-thanh-tu-anh-nen-chap-nhan-de-kinh-te-chiu-dau-ngan-han
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam.

Từ góc độ chính sách, một số quy định ban hành trong thời gian gấp gáp do phải phản ứng tức thời với tình thế, nên chưa để ý đúng mức đến việc thực thi. Đơn cử, việc người dân và lái xe qua lại giữa TP HCM và các tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV hiệu lực chỉ trong 3 ngày, là sai về cả y tế (việc có kết quả âm tính hôm nay không đảm bảo sẽ không nhiễm trong 3 ngày kế tiếp) và kinh tế (tạo sự đứt gãy và gia tăng chi phí trong chuỗi cung ứng).

Về chiến lược, việc kiên trì mục tiêu kép – trong đó y tế chưa được ưu tiên đúng mức – có nghĩa là các biện pháp phòng chống dịch không đủ tốc độ, quy mô và sức mạnh cần thiết, chưa tương xứng tốc độ, quy mô và sức tàn phá của đại dịch.

Ở góc độ thực thi chính sách, trước áp lực phải xử lý “khủng hoảng”, chúng ta có thiên hướng quá chú trọng đến các con số có tính báo cáo để đạt chỉ tiêu mà quên mất mục tiêu thực sự của chính sách. Ví dụ như đi xét nghiệm ào ạt nhưng thiếu tổ chức có thể dẫn tới mất an toàn về y tế, chất lượng xét nghiệm không đảm bảo, và kết quả xét nghiệm cũng thiếu tin cậy.

– Hôm qua, Chính phủ đã đưa ra định hướng chống dịch mới, trong đó thể hiện mục tiêu “bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống”. Ông đánh giá thế nào về thay đổi này?

– Định hướng mới này đúng nhưng nó cần phải được thể hiện qua sự điều chỉnh chiến lược cũng như các quyết sách cụ thể. Tôi thấy chúng ta vẫn đặt nặng mục tiêu kinh tế, trong khi lẽ phải chấp nhận thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn, chấp nhận kinh tế “chịu đau” trong ngắn hạn để đổi lấy sự ổn định trong trung và dài hạn.

Ở tình thế này, mọi quyết sách đều phải đánh đổi, và cái giá phải trả sẽ đắt đỏ về cả y tế lẫn kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam năm ngoái cho thấy, nếu kiềm chế được dịch bệnh thì kinh tế vẫn có thể tăng trưởng; đồng thời kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong 18 tháng qua cũng cho thấy, không kiềm chế được dịch bệnh thì khủng hoảng y tế tất yếu sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế.

– Cơ sở nào ông nói chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới mục tiêu y tế?

– Khác hẳn với ba đợt dịch trước, đến nay đã có tới 58 tỉnh thành có Covid-19 với hơn 38.600 ca nhiễm – tức là gấp hơn 10 lần so với cả ba đợt trước cộng lại. Việt Nam cũng đã trở thành một trong 25 nước có số ca nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Nếu đà này tiếp diễn, hệ thống y tế của nhiều tỉnh thành sẽ nhanh chóng quá tải, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Nếu tình trạng dịch căng thẳng kéo dài, mức độ lây lan tiếp tục gia tăng, theo tôi, Chính phủ cần tính đến phương án tuyên tình trạng khẩn cấp.

Có thể nhìn sang Tokyo như một trường hợp tham khảo. Ngày 7/7/2021, Tokyo ghi nhận thêm 920 người bị nhiễm trên quy mô dân số khoảng 14 triệu dân. Ngay ngày hôm sau, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, bắt đầu áp dụng từ 12/7 đến 22/8, và đây là lần thứ tư Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với Covid-19.

Tiểu thương chợ Bình Điền chen nhau lấy kết quả xét nghiệm Covid-19 hôm 5/7.

Trong khi đó TP HCM, với dân số ít hơn Tokyo, đã ghi nhận trên 1.000 ca mỗi ngày trong một tuần nay, thậm chí có ngày trên 2.000 ca. Hay một tỉnh như Đồng Tháp, một ngày có 150 ca trên dân số 1,6 triệu người thì cũng không khác mức độ mỗi ngày 1.500 ca của TP HCM (trên dân số 10 triệu), trong khi điều kiện y tế yếu kém hơn rất nhiều.

Dịch bệnh cũng lan rất nhanh từ TP HCM sang các tỉnh lân cận ở cả vùng Đông và Tây Nam Bộ, mà những tỉnh này đều không đủ năng lực y tế, phải dựa vào chi viện từ bên ngoài nếu diễn biến phức tạp hơn. Nếu không có quyết sách đồng bộ, ngay cả khi TP HCM chống dịch thành công, cũng không bền vững vì dập được dịch ở cửa trước, dịch lại lẻn vào cửa sau do sự liên thông của các tỉnh cũng như do vị trí trung tâm vùng của TP HCM.

Thời điểm này, tôi cho rằng tạm thời không cần nhìn vào các chỉ số ngắn hạn của năm nay như GDP, tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu, FDI… Tầm nhìn chúng ta phải vượt qua năm nay, mới có thể đưa ra các phương án dài hạn hơn.

– Vậy theo ông, giờ chiến lược mới nên ưu tiên những gì?

– Đầu tiên là phải nhận diện đúng tầm mức khủng hoảng y tế lần này và có cách ứng xử tương xứng. Trong các đợt dịch trước là ưu tiên truy vết, khoanh vùng, dập dịch thì lần này phải ưu tiên xét nghiệm, điều trị, và vaccine để bảo vệ sinh mạng người dân và hệ thống y tế.

Tất nhiên không thể bảo vệ đại trà, mà cần theo các nguyên tắc về quản lý rủi ro, đặt ưu tiên lớn cho những khu vực và các đối tượng rủi ro nhất: Trong bệnh viện là bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân; ngoài bệnh viện là người cao tuổi và người có bệnh nền. Việc Bộ Y tế cho phép cách ly F1 tại nhà và giảm thời gian cách ly điều trị cho các trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng là những biện pháp quan trọng giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

Vaccine đóng vai trò then chốt nhưng việc cần làm là tìm cách trì hoãn tốc độ của dịch để chờ vaccine về kịp. Một biện pháp trì hoãn quan trọng là thực hiện giãn cách toàn xã hội. Kinh nghiệm của Việt Nam hồi tháng 4/2020 và của TP HCM hiện nay cho thấy, nếu trước sau cũng phải giãn cách thì nên thực hiện càng sớm càng tốt, chi phí, tổn thất càng ít và hiệu lực càng cao.

Dịch bệnh không có biên giới, vì vậy chiến lược chống dịch phải có cách tiếp cận tổng thể, là bài toán chung của quốc gia, của vùng chứ không phải của riêng một địa phương nào. Nếu không đồng bộ, cả nước sẽ luôn trong trạng thái dịch bệnh. Thay vì đau một lần, sẽ phải chịu đau dài dài.

Với tình trạng dịch bệnh ở phía Nam như hiện nay, tôi cho rằng cần mở rộng phạm vi áp dụng Chỉ thị 16 ở toàn vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

– Chúng ta vừa qua vẫn lúng túng trong việc làm sao để vừa kiểm soát được dịch mà đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các vùng kinh tế. Sau 4 đợt dịch bùng phát, tại sao vẫn bỡ ngỡ như lần đầu?

– Một vấn đề lớn là chúng ta chưa thấy rõ vai trò của một “Bộ tổng tham mưu” thực sự có khả năng quán xuyến tất cả phương diện khác nhau của dịch bệnh, bao gồm cả y tế, công nghiệp, thương mại, dân sinh… “Bộ Tổng tham mưu” là nơi xác lập mục tiêu, ưu tiên và ra quyết định ở cấp độ trung ương, ví như hệ thần kinh trung ương, qua các kênh dẫn truyền để đi tới các bộ ngành và địa phương. Còn Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hiện nay chủ yếu tập trung về khía cạnh y tế, trong khi phòng chống dịch đòi hỏi một sự phối hợp tổng thể và đồng bộ giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, và giữa trung ương với địa phương.

Giao thông tắc nghẽn tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ Hải Phòng khi thành phố yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính và triển khai test nhanh Covid-19.

Ở cấp độ địa phương, từ lâu tồn tại một nhược điểm cố hữu là tính chia cắt, phân mảnh. Chính quyền địa phương được đánh giá bởi các chỉ tiêu thuần túy có tính địa phương mà thiếu tính liên kết vùng. Vậy nên xảy ra tình trạng cục bộ.

Trong đại dịch, do thiếu khuôn khổ chính sách đồng bộ và nhất quán từ Trung ương nên đối diện với tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, mỗi địa phương tự đưa ra cách làm riêng để bảo vệ lợi ích của mình. Điều này tạo ra tình trạng khó khăn trong việc lưu thông lương thực, hàng hoá, dẫn tới tình trạng khan hiếm cục bộ và nhiều hệ lụy về cả kinh tế và xã hội.

– Nhiều lần ông nhắc đến việc không đặt nặng các yếu tố kinh tế trong ngắn hạn, nhưng nên làm gì khi cuộc sống của nhiều người dân đang điêu đứng, doanh nghiệp kiệt quệ?

– Dù không nhìn vào ngắn hạn, vẫn phải có biện pháp giảm đau và chữa trị cho kinh tế.

Đầu tiên là phải tìm cách bảo vệ sức sống của khu vực doanh nghiệp và sinh kế của người dân. Khi họ “nín thở” vì Covid-19, phải cấp cho họ “máy trợ thở”. Chính phủ phải làm thế nào để đưa ra các biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn, ví dụ bên cạnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì nên giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân.

Chính sách hỗ trợ phải trực tiếp giúp giảm chi phí và tăng thu nhập của doanh nghiệp và người dân, chứ không phải qua một chuỗi các thủ tục hành chính từ lên danh sách, nộp đơn, xét duyệt, giải ngân phức tạp và mất thời gian như hiện nay. Thủ tục bị kéo dài sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, khiến họ thậm chí không muốn nhận hỗ trợ.

Cần bảo vệ và duy trì các huyết mạch kinh tế cơ bản, cụ thể là đảm bảo cung ứng đầy đủ, ổn định lương thực, thực phẩm thiết yếu và duy trì hoạt động công nghiệp, đặc biệt là các chuỗi cung ứng quan trọng.

Với các chuỗi cung ứng này, phải chấp nhận giảm quy mô, chỉ cho những đơn vị nào có đủ điều kiện giãn cách, cung ứng lao động tại chỗ hoạt động. Vì nếu có hàng chục nghìn người lao động di chuyển, khả năng sẽ tạo ra nhiều khe hở cho dịch bệnh bùng phát.

Từ góc độ vĩ mô, theo tôi phải đầu tư thật mạnh cho cơ sở hạ tầng và Thủ tướng rất giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong thời gian ông làm Bí thư Quảng Ninh, địa phương này tự xây dựng được 200 km đường cao tốc. Nếu đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, điều này sẽ tạo sức bật lớn hơn cho Việt Nam hậu Covid-19. Đầu tư công là khu vực có tính miễn nhiễm cao nhất với Covid-19 nên có thể đẩy mạnh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here