Trung vệ Việt Anh: ‘Tôi từng nghi ngại triết lý của HLV Gong’

0
211
trung-ve-viet-anh-toi-tung-nghi-ngai-triet-ly-cua-hlv-gong

Theo đội trưởng Bùi Hoàng Việt Anh, lối đá bốn hậu vệ của HLV Gong Oh-kyun tưởng như sẽ lộ ra nhiều khoảng trống, nhưng thực tế lại rất phù hợp với anh và đồng đội ở U23 châu Á 2022.

– Lần đầu làm việc với HLV Gong Oh-kyun, Việt Anh thấy giữa ông ấy và HLV Park Hang-seo khác biệt thế nào? (Tran Huy Cuong, 53 tuổi, Hải Phòng).

– HLV Gong có tính cách cởi mở, thoải mái, nhưng khi vào công việc cũng nghiêm khắc, thậm chí có chút nóng nảy. Tôi chưa biết đánh giá thế nào về sự khác biệt giữa hai HLV, vì mỗi người mang một phong cách khác nhau. Về mặt lối chơi, HLV Park dùng sơ đồ ba trung vệ, và chúng tôi cũng đã quen với hệ thống này, cảm giác đá kín kẽ hơn. Bởi vậy, khi sang làm việc với HLV Gong, và thi đấu trong đội hình bốn hậu vệ, tôi có chút nghi ngại. Bởi đá như thế, khoảng trống sẽ xuất hiện nhiều hơn. Nhưng sau vài buổi tập tôi và đồng đội cũng thích nghi và dần lĩnh hội được các ý tưởng chiến thuật của HLV Gong.

Dù thế nào, cả hai HLV đều mang một điểm chung là tính hiệu quả cao.

– Trong trận đấu Hàn Quốc ở vòng bảng, Việt Nam bị dẫn bàn. HLV Gong đã nói gì để khích lệ tinh thần, giúp anh và các đồng đội tìm được bàn gỡ? (Lưu Bá Tuấn Minh, 23 tuổi).

– Bên ngoài sân, HLV Gong liên tục hô hào, động viên rằng “Cứ thi đấu đi các em, không được bỏ cuộc”. Nghe thầy nói thế, chúng tôi cũng yên tâm, cố gắng hơn để tiếp tục chiến đấu.

– Thời gian chuẩn bị cho U23 châu Á khá ngắn ngủi, chỉ được vài ngày sau SEA Games 31. Việt Anh gặp khó khăn thế nào trong việc thích nghi với chiến thuật và các đồng đội mới? (Thanh Hưng, 31 tuổi).

– Ban đầu cũng rất khó khăn, vì tôi và các đồng đội không biết kết hợp với nhau thế nào. Chúng tôi vốn là sự hòa trộn giữa nhóm cầu thủ giành giải U23 Đông Nam Á và SEA Games 31. Nhưng sau vài buổi tập luyện, tôi cũng dần quen, thích nghi với chiến thuật của HLV Gong. Hơn nữa, ở CLB Hà Nội, tôi cũng đã quen với sơ đồ có bốn hậu vệ. HLV Gong cũng truyền thụ theo thông điệp ngắn gọn, nên tôi và các đồng đội dễ tiếp thu hơn.

– Đâu là khoảnh khắc khó khăn nhất ở U23 châu Á?– Đó là lúc đội nhận bàn thua bàn đầu tiên, để Thái Lan gỡ hoà 1-1. Lúc đó, bản thân em cũng hoang mang, không biết làm thế nào để vực dậy tinh thần anh em vì nhiều cầu thủ hôm đó còn rất trẻ, thậm chí mới 19-20 tuổi. Tôi đã nói với họ rằng “Chúng ta đang chơi tốt. Bàn thua chỉ là tai nạn thôi, anh em cố lên!”.

– Nhìn Việt Anh khá điển trai. Bí quyết nào giúp anh cân bằng giữa việc luyện tập bóng đá và chăm sóc ngoại hình? (Nguyễn Thu Dung, 21 tuổi, TP HCM).

– Thật ra tôi không chăm sóc ngoại hình đâu, vì rất bận rộn. Một ngày của tôi chỉ xoay quanh ăn và tập. Chứ nếu có thời gian chăm sóc, tôi chắc còn đẹp trai nhiều hơn nữa.

Việt Anh ngại ngùng trước sự quan tâm của nhiều CĐV nữ

– Đây là giải đầu tiên Việt Anh đeo băng đội trưởng U23 Việt Nam, và cũng là thủ quân đầu tiên dưới thời HLV Gong. Cảm xúc của anh thế nào? (Quân Sơn, 23 tuổi).

– Tôi chỉ cảm thấy phải có trách nhiệm hơn, cố gắng hơn. Là đội trưởng, bạn phải làm gương cho đồng đội, để cùng nhau thi đấu tốt nhất. Tôi vốn ít nói, có lẽ là do bản tính từ nhỏ, nhưng luôn cố gắng hô hào để anh em tự tin, đoàn kết.

– Sau khi thua Saudi Arabia ở tứ kết, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì? (Đan Nguyên , 54 tuổi).

– Điều đầu tiên là… buồn. Vì thất bại thì ai cũng buồn. Tôi và đồng đội đã đặt mục tiêu cao hơn tại giải lần này, và cố gắng đến cùng. Sau trận, HLV Gong bảo chúng tôi “Hãy thoải mái lên”, “Cười tươi lên”… Nhưng quả thật, chúng tôi chẳng có tâm trạng nào. Dù sao, chúng tôi còn nhiều giải đấu ở phía trước để cố gắng.

– Thế còn bàn thua đầu ở trận gặp Saudi Arabia, có phải vì các cầu thủ Việt Nam quá fair-play trong tình huống đối thủ đang nằm sân nên mới thủng lưới? (Anh Sáng, 48 tuổi, Hòa Bình)

– Có thể chúng tôi hơi mất tập trung trong một tích tắc nên phải trả giá. Nhưng cũng không thể nói là fair-play, vì bóng đang lăn nên không thể dừng lại. Khi xem lại video chiếu chậm, tôi tự hỏi “Tại sao mình không nằm ra lúc đó nhỉ?”. Vì nếu nằm ra như thế, có thể trọng tài sẽ thổi phạt cầu thủ Saudi Arabia vì anh ta đã lao vào tôi.

– Ở trận thắng Malaysia ở vòng bảng, Việt Anh đá hỏng phạt đền rồi ghi bàn ngay sau đó. Cảm xúc của anh lúc đó thế nào? (Phạm Tuấn, 26 tuổi, Hà Nội).

– Tôi đã chuẩn bị tinh thần, vì vẫn thường xuyên tập đá 11m. Nhưng đúng là lúc đó tôi chịu áp lực bởi lâu rồi không đá phạt đền trong một trận đấu chính thức. Rất may, sau khi đá hỏng, bóng văng ra đúng vị trí tốt để tôi ập vào đá bồi thành bàn.

– Sau thành công ở giải U23 châu Á, giả sử lúc này nhận được đề nghị từ các CLB Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu, anh sẽ chọn phương án nào? (Hoàng Bình, 29 tuổi, Thái Nguyên).

– Ra nước ngoài thi đấu luôn tốt cho cầu thủ. Đó là điều mà cầu thủ chuyên nghiệp nào cũng mong muốn. Cá nhân tôi cũng vậy. Nhưng nếu có đề nghị như thế, tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ. Đó chắc là chuyện của tương lai. Ngay lúc này, tôi còn phải tự hoàn thiện, phấn đấu hơn, vì thấy bản thân chưa đủ tốt.

– Việt Anh phải xa nhà từ nhỏ để đi đá bóng rồi trải qua nhiều biến cố liên quan đến gia đình, chấn thương… Những lúc như thế, có bao giờ Việt Anh nản chí? (Dương Quang Anh, 20 tuổi)

– Thực sự, đã vài lần bố mẹ muốn tôi từ bỏ hết để về nhà, nhất là giai đoạn tôi tập trung ở trường năng khiếu Thái Bình rồi lên đội trẻ Hà Nội. Nhưng, tôi chưa từng có suy nghĩ bỏ bóng đá, vì đó luôn đam mê của tôi.

Việt Anh trầm ngâm khi nhắc đến những khó khăn đã trải qua trong cuộc sống.

– Anh có vẻ xúc động khi nhắc đến gia đình?

– Đời người thì ai cũng có những thời khắc khó khăn. Có lúc bố tôi phải làm bảo vệ, còn mẹ làm công nhân trong Bình Dương. Gia đình xa nhau đến tám năm mới đoàn tụ. Nhưng cho đến lúc này, tôi luôn cảm thấy may mắn vì vẫn có bố mẹ và chị gái ở cạnh bên.

Gia đình luôn là động lực, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho tôi trong thi đấu. Đó cũng là lý do tôi cố gắng tích cóp để mua nhà, để cả nhà được đoàn tụ.

– Việt Anh và Thanh Bình có nhiều tố chất của một hậu vệ hiện đại. Anh nghĩ sao về việc hoàn thiện và theo đuổi lối chơi của các hậu vệ nổi tiếng như Sergio Ramos hay Van Dijk? (Phan Long, 31 tuổi, Hồ Chí Minh).

– Tôi thích kiểu hậu vệ bọc lót, phán đoán hơn là tranh chấp. Bản thân tôi luôn hướng theo lối chơi đó. Nhưng tất nhiên, trung vệ là phải mạnh mẽ nên tôi cũng cố gắng học hỏi, trau dồi, tập luyện thể lực để thi đấu hơn. Chưa nói đến những ngôi sao nước ngoài, ở Việt Nam hiện nay, tôi muốn học theo phong cách chơi bóng của anh Quế Ngọc Hải. Đó là thần tượng của tôi.

– Nếu không làm cầu thủ, Việt Anh sẽ làm nghề gì? (Trà My, 36 tuổi, TP HCM).

– Tôi không biết phải làm gì nữa. Vì ngoài bóng đá, việc gì tôi cũng chỉ làm được ở mức trung bình. Tôi cũng biết hát, nhưng không hay, đàn cũng dở. Trên mạng có mấy video tôi ôm đàn hát, nhưng thật ra là tôi đùa cho vui với các bạn thôi.

Việt Anh sinh ra ở Đông Hưng, Thái Bình, ngày 1/1/1999. Anh trưởng thành ở lò đào tạo Hà Nội giai đoạn 2012-2018, cùng những hậu vệ đồng hương như Đoàn Văn Hậu hay Đặng Văn Tới.

Sự nghiệp của Việt Anh bắt đầu chuyển biến từ 2018, khi anh cùng Hà Nội B dự hạng Nhất và giành suất đá play-off. Cũng trong năm đó, Việt Anh lần đầu dự giải châu Á, cùng đội U19 với những cầu thủ như Nhâm Mạnh Dũng, Dụng Quang Nho, Lê Văn Xuân hay Văn Tới. Việt Anh là một trong ba cầu thủ chơi trọn 270 phút tại giải đó, bên cạnh Thái Bá Sang và Quang Nho.

Đầu năm 2020, Việt Anh lại được khoác áo đội U23 Việt Nam dự giải châu Á, và cũng đá cả ba trận. Anh là cầu thủ duy nhất của Việt Nam đá chính ở U23 châu Á 2020 lẫn 2022. Ở giải đấu vừa qua tại Uzbekistan, anh là cầu thủ Việt Nam thi đấu nhiều nhất, với 342 phút trên sân. Thủ quân Việt Nam ghi một bàn, góp công giúp đội nhà vào tứ kết trước khi bị Saudi Arabia loại. Cùng hậu vệ Yhlas Toydjanov (Turkmenistan), anh còn đứng đầu thống kê phá bóng cho đến lúc này tại giải (18 lần).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here