Người dân có thể cài bất cứ ứng dụng chống dịch nào và nhận được một mã QR giống nhau nên không cần cài nhiều app cùng lúc.
Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông ra hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc. Cách thức cấp và sử dụng mã QR cá nhân đã được gửi đến các đơn vị liên quan trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 sáng 11/9. Mã QR mới là phiên bản 1.1.
Theo ông Đỗ Lập Hiển, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19, việc xây dựng nền tảng QR quốc gia đã hoàn thành và sẵn sàng sử dụng.
“Giờ cần có thời gian cho các ứng dụng kết nối và đồng bộ. Việc này dự kiến hoàn thành trong một tuần”, ông Hiển nói.
Khi hoàn thành, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR cá nhân. Mã này hiển thị thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều nền tảng, công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19 như nền tảng khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm, Bluezone, VHD… hay mới đây là VNEID. Ngoài ra, một số địa phương cũng tạo các ứng dụng riêng. Mỗi ứng dụng lại sinh ra một mã QR khác nhau sau khi người dùng khai báo, gây nên tình trạng người dùng khi di chuyển có thể phải cài hàng loạt ứng dụng khác nhau.
“Với việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất, người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng phù hợp với nhu cầu, không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau”, văn bản của Bộ TT&TT viết.
Mỗi mã QR phiên bản 1.1 mới sẽ chứa chuỗi thông tin gồm số CMND/CCCD, họ tên, ngày sinh, mã người dùng trên nền tảng QR quốc gia, kiểu dữ liệu (tự khai hay khai hộ), cùng một số thông tin mở rộng như: giới tính, số điện thoại, mã số thẻ bảo hiểm…
Để được cấp mã QR này, người dân cần khai báo thông tin chính xác. Thông tin được khai báo từ các ứng dụng phòng chống dịch sẽ được gửi đến hệ thống QR quốc gia. Hệ thống này tiếp tục gửi đến hệ thống xác thực. Nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ trả về mã QR, nếu sai sẽ báo lỗi.
Việc tạo mã QR cá nhân duy nhất cho mỗi người dùng nhằm tạo thuận lợi cho mỗi người dân và cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống Covid-19.
“Khi các ứng dụng dùng chung một QR, người dân có thể sử dụng linh hoạt bất kỳ ứng dụng nào mà vẫn ‘giao tiếp’ được với nhau, đảm bảo yêu cầu về giám sát, xác thực của cơ quan chức năng; đồng thời giúp dữ liệu đồng bộ, giảm tối đa dữ liệu rác”, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 chia sẻ.