Vì sao PC-Covid được cập nhật từ Bluezone?

0
515
vi-sao-pc-covid-duoc-cap-nhat-tu-bluezone

PC-Covid được nâng cấp từ Bluezone để người dùng trải nghiệm liền mạch, không phải cài ứng dụng mới.

“Việc cập nhật hay tạo mới ứng dụng đã được chúng tôi đưa ra phân tích và thảo luận rất nhiều. Xét trên lợi ích của số đông, cập nhật từ ứng dụng cũ có nhiều người dùng là điều thỏa đáng hơn”, đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 chia sẻ tại tọa đàm chiều 1/10.

Bluezone được chọn vì là ứng dụng có lượng người dùng cao nhất. Trước khi được cập nhật để trở thành PC-Covid, Bluezone đạt 45 triệu lượt tải và hơn 23 triệu người sử dụng hàng tuần.

Tại tọa đàm có sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh thành, Trung tâm Công nghệ cũng khẳng định, Bluezone mang lại hiệu quả thực sự ở nhiều tình thành. Như tại Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu…, ứng dụng góp phần giúp truy vết nhiều ổ dịch, giảm thời gian khai báo y tế.

Với phương thức chuyển đổi từ phần mềm đã có, người dân không cần thực hiện thao tác gì, ứng dụng có thể tự động cập nhật nếu được sự đồng ý từ người dùng. Điều này mang lại trải nghiệm liền mạch và liên tục nhất.

vi-sao-pc-covid-duoc-cap-nhat-tu-bluezone
Trên các kho ứng dụng, PC-Covid ra mắt hôm 30/9 là là bản cập nhật của Bluezone. 

Lựa chọn này được đánh giá là khó khăn hơn tạo ra một ứng dụng mới. “Chính Apple và Google cũng chất vấn chúng tôi tại sao xây dựng một ứng dụng mới nhưng lại nâng cấp từ ứng dụng cũ. App cũ có hàng chục triệu người dùng, nên họ kiểm tra rất kỹ, khiến ứng dụng lên kho của Apple chậm 8 ngày so với dự kiến”, đại diện Trung tâm nói.

Trước ý kiến cho rằng PC-Covid là Bluezone “thay áo”, Trung tâm Công nghệ cho rằng đánh giá này “không đầy đủ”.

Những tính năng đang chạy tốt ở các ứng dụng khác được thiết kế lại cho thuận tiện nhất và đưa vào PC-Covid, đồng thời một số tính năng mới cũng được phát triển thêm. Phía sau đó là hệ thống backend, nền tảng lớn, quy trình nghiệp vụ y tế phức tạp.

“PC-Covid chỉ là phần nhỏ nổi lên của một tảng băng chìm. Bên dưới là nhiều nền tảng lớn khác nhau. Ví dụ, người dùng nhìn thấy thông tin tiêm, bên dưới là Nền tảng quản lý tiêm chủng; số lượt quét mã QR cũng là Nền tảng cung cấp và quản lý mã QR đứng sau”, Trung tâm cho biết.

Thành phần Quản lý tiếp xúc gần, Quét mã QR được nâng cấp từ Bluezone, còn Khai báo y tế thực hiện theo biểu mẫu mới của Bộ Y tế. Trong khi đó, thông tin tiêm liên thông với Nền tảng tiêm chủng, còn thông tin xét nghiệm liên thông với Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm.

Lấy ví dụ với chức năng Phản ánh, đội ngũ kỹ thuật giải thích: “Dù chỉ là biểu mẫu nhìn khá đơn giản, đằng sau nó là hệ thống quản lý ticket. Khi tiếp nhận phản ánh, hệ thống sẽ biết chuyển cho ai, ở địa phương nào, tình hình xử lý phản ánh thế nào; đồng thời phải có những thành phần quản lý để các cấp giám sát…”.

Trung tâm Công nghệ cho biết, không chỉ Bluezone, các ứng dụng khác như Ncovi thời gian tới cũng được cập nhật thành PC-Covid. Ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here