Giảm phí mặt bằng – lựa chọn giúp ngành F&B tái khởi động

0
688
giam-phi-mat-bang-lua-chon-giup-nganh-f-amp-b-tai-khoi-dong

TP HCM-Mở cửa trở lại khi sức mua yếu, các đơn vị kinh doanh ẩm thực được khuyên hạ một nửa phí mặt bằng so với trước dịch.

Giữa cuối tháng 9, khi nhiều hàng, quán F&B tại TP HCM đang dần mở cửa trở lại nhưng sức mua còn yếu, chi phí hàng hóa và vận chuyển bị đẩy lên cao. Để tránh thua lỗ, các chuyên gia khuyến nghị nhà bán lẻ cân nhắc cắt giảm chi phí thuê mặt bằng xuống mức tối thiểu.

Qua trao đổi, ông Trang Minh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị North Stars Asia, cho biết hiện nay người tiêu dùng đang chi tiêu dè xẻn hơn trước do thu nhập giảm mạnh trong đợt dịch lần thứ tư. Vì vậy, để hồi phục được sức mua như trước đại dịch, các nhà bán lẻ cần thêm nhiều thời gian để thích nghi và kích cầu hợp lý.

“Chi phí thuê mặt bằng trong hai quý tới chỉ nên hạ xuống còn 10-15% doanh thu ngành ẩm thực, giảm một nửa so với mức 30-35% trước đại dịch mới có thể tồn tại trong những tháng tái khởi động đầy thách thức này”, ông Hà nhận định.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị North Stars Asia phân tích, trước đại dịch, chi phí thuê mặt bằng ngành ẩm thực thường chiếm trung bình 20-30% doanh thu, thậm chí với các mặt bằng đắc địa, chi phí thuê có thể chiếm đến 35% doanh thu nhưng vẫn có thể kinh doanh tốt nhờ sức mua mạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sức mua chỉ còn 25-30% so với trước đây (sức mua lao dốc 70-85%) nên chi phí mặt bằng cần phải cắt giảm xuống còn một nửa so với trước khi đại dịch bùng phát để phòng thủ dòng tiền chuẩn bị cho quá trình hồi phục chậm chạp sắp tới. Nếu mở cửa trở lại nhưng chiến lược kinh doanh không thận trọng, các đơn vị F&B sớm đối mặt với việc tiếp tục thâm hụt vốn và thua lỗ kéo dài.

Theo ông Hà, trong 4 tháng nay thói quen đặt hàng online để mua trực tuyến đã được hình thành và bén rễ khá sâu trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Quá trình giãn cách xã hội và phong tỏa để chống dịch cũng đã khiến cho sức mua và lưu lượng khách sụt giảm mạnh vì tư tưởng phòng thủ, thắt lưng buộc bụng vẫn rất nặng nề.

“Nhanh nhất là 6 tháng tới, tức phải đến sau Tết, với điều kiện kiểm soát dịch, tiêm vaccine 70% để đạt miễn dịch cộng đồng, kích cầu hợp lý mới có thể hy vọng tái hồi phục sức mua ngành ẩm thực”, ông nói.

giam-phi-mat-bang-lua-chon-giup-nganh-f-amp-b-tai-khoi-dong

Để doanh nghiệp F&B có thể hồi phục như trước khi dịch bệnh bùng phát, theo ông Hà, thị trường cần phải được sự phối hợp thực hiện đồng loạt từ nhiều phía. Thứ nhất, cần có sự đồng hành của bên phía cho thuê mặt bằng hỗ trợ giá thuê thấp thêm ít nhất 3-6 tháng tới.

Thứ hai, doanh nghiệp F&B đang đuối sức cần thận trọng phối hợp nhiều kênh bán hàng trực tuyến và dịch vụ giao hàng tương thích cũng như đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động phục vụ ngành, để nhắm trúng vào nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước có lộ trình mở cửa an toàn và khuyến khích kích cầu theo kịch bản hợp lý. Thứ tư, người tiêu dùng cũng cần ý thức an toàn tuân thủ các quy định phòng dịch khi ra ngoài mua sắm, ăn uống, hỗ trợ việc phòng chống dịch đạt hiệu quả.

Để chuẩn bị cho việc tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soá,t bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam cho rằng các nhà bán lẻ F&B thận trọng hơn khi mở cửa hàng mới. Hiện nay xu hướng dịch chuyển mạnh giữa các kênh bán hàng lẫn nhau đem đến không ít thách thức.

Theo bà Quyên, các đơn vị kinh doanh ngành ẩm thực nên cân nhắc thu gọn lại diện tích không gian quán chỉ vừa đủ hợp lý để tránh lãng phí, làm ảnh hưởng tiềm năng lợi nhuận. Quản lý các chi phí thuê mặt bằng chỉ tối đa 10-16% doanh thu để duy trì hiệu quả cửa hàng. Mức chi phí mặt bằng này chỉ còn một nửa so với trước đây.

Nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được đó để đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm của khách hàng tại nhà đối với sản phẩm của mình.

Việc tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán bao gồm giảm nhân viên làm việc tại cửa hàng với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi lao động để sử dụng nguồn lực hiệu quả cũng rất cần thiết trong giai đoạn mở cửa. Bên cạnh đó, theo bà Quyên, các hộ kinh doanh ăn uống cũng cần tìm hiểu và đầu tư sớm vào các kênh ví điện tử hoặc thẻ để tối đa hóa sự thuận tiện thanh toán cho khách hàng và phát triển hệ thống bán hàng mang đi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here