Nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay với yêu cầu ‘ba tại chỗ’ của TP HCM

0
284
nhieu-doanh-nghiep-khong-kip-tro-tay-voi-yeu-cau-ba-tai-cho-cua-tp-hcm

Trong 24 giờ phải lo xong chỗ ăn ở cho công nhân mới được tiếp tục sản xuất, theo một số doanh nghiệp, là điều kiện “bất khả thi”.

Chiều 13/7, TP HCM ra công văn chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp. Một là vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm “ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ. Hailà doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm “một cung đường – hai địa điểm”, tức vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn hoặc chỗ ở tập trung khác).

Sở Y tế và các bên liên quan sẽ thẩm định, nếu doanh nghiệp đảm bảo thì định kỳ mỗi tuần phải xét nghiệm Covid-19 cho công nhân và tự trả chi phí. Trong trường hợp ngược lại thì doanh nghiệp phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới.

Chia sẻ chưa đầy 12 tiếng trước thời điểm áp dụng chỉ đạo này, bà Lê Hải Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành – cho rằng đây là chỉ thị quá bất ngờ, vô tình đẩy doanh nghiệp vào ngõ cụt bởi họ không thể nào chuẩn bị kịp những yêu cầu này chỉ trong một ngày. Nhà máy được xây dựng để sản xuất thì không cách nào bổ sung thêm công năng tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi chỉ trong 24 giờ.

Đêm qua, bà Liễu và mấy chục anh em trong công ty không ngủ được vì tất bật nghĩ cách duy trì hoạt động cho nhà máy ở quận Gò Vấp. Phương án mua lều cho 400 công nhân ngủ lại được tính đến, dù cùng với đó phải thêm chi phí và thời gian xét nghiệm Covid-19.

Tuy nhiên, bài toán khó nhất là làm sao đảm bảo nhu cầu vệ sinh, ba bữa ăn mỗi ngày trong lúc thành phố giãn cách và khả năng xảy ra bệnh đường ruột trong môi trường sinh hoạt thiếu thốn thì chưa có lời giải.

“Chúng tôi rất muốn hoạt động để công nhân có việc làm, có thu nhập nhưng đến sáng đành quyết định đóng cửa. Công ty đang gửi thư giải thích, xin lỗi khách và cố chạy đua hoàn thiện lô hàng dang dở cho kịp xuất khẩu ngay hôm nay”, bà Liễu nói.

Cùng chung tình cảnh với bà Liễu, ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony ở quận Tân Bình cũng bất đắc dĩ chọn phương án đóng cửa.

Theo ông Anh, công ty đã chuẩn bị triển khai phương án “ba tại chỗ” cho 100 công nhân nhưng thực tế phát sinh quá nhiều vấn đề. Ví dụ thức ăn cho vài trăm người không thể đặt ngay nên phải nấu, nhưng như thế lại phát sinh nguy cơ cháy nổ trong nhà máy. Các đối tác cung cấp vật liệu không đáp ứng được quy định của thành phố nên ngừng hoạt động, kéo công ty vào tình trạng tương tự.

nhieu-doanh-nghiep-khong-kip-tro-tay-voi-yeu-cau-ba-tai-cho-cua-tp-hcm
Công nhân làm việc trong nhà máy Dony, ảnh chụp tháng 4/2021.

Người đứng đầu công ty này cho rằng điều may mắn là công ty có kịch bản cho những tình huống bất ngờ từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Công nhân tăng ca thường xuyên để rút tiến độ đơn hàng từ 20 ngày giao xuống còn 10 ngày. Một số khách hàng quốc tế từng gặp trường hợp tương tự nên cũng đồng ý cho công ty giãn thời gian giao hàng.

Cả bà Liễu và ông Anh đều khẳng định, các doanh nghiệp rất ủng hộ thành phố quyết liệt chống dịch nhưng cần được lắng nghe ý kiến và có thời gian chuẩn bị cho những quyết định có sức ảnh hưởng lớn như công văn này.

“Tôi rối bời vì chỉ có một ngày để chuẩn bị cho đủ thứ. Dù biết tình hình rất cấp bách nhưng giá như thành phố dành một ít thời gian để khảo sát và họp trực tuyến để ra giải pháp phù hợp hơn thì tốt biết mấy”, bà Liễu nói.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Gia Huy Chương – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) cho rằng quyết định đưa ra cấp bách nên nhiều doanh nghiệp hiểu không rõ thông tin và gặp khó khi tuân thủ. Doanh nghiệp phải đặt văn bản này trong chuỗi các văn bản trước đó của UBND TP HCM thì mới áp dụng được.

Ông tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp hội viên thì nhận thấy có ba thắc mắc lớn là văn bản này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp đặt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hay trên toàn địa bàn thành phố; hoạt động sản xuất được đề cập có bao gồm sản xuất phần mềm, công trình xây dựng; các doanh nghiệp có văn phòng ở một nơi và nhà máy nơi khác thì phải áp dụng chỉ đạo này thế nào.

Theo ông Chương, với cách hiểu hiện tại, hoạt động của khoảng 70% trong số 600 hội viên của YBA sẽ bị xáo trộn, thậm chí đóng cửa vì đa phần quy mô kinh doanh nhỏ và rất nhỏ. Một số doanh nghiệp vài chục công nhân nên nhà xưởng chỉ phục vụ sản xuất, không có diện tích để cơi nới thêm theo phương châm “ba tại chỗ”. Nếu doanh nghiệp tìm nơi ở bên ngoài thì cũng rất khó trong thời gian quá gấp rút, chưa kể chi phí bị đội lên.

“Vì thế, cần làm rõ các vấn đề về quy mô, điều kiện chống dịch của từng doanh nghiệp để có hướng dẫn đảm bảo vừa chống dịch vừa thực hiện mục tiêu kép”, ông Chương nói, đồng thời cho biết đang liên lạc với cổng thông tin chính thức của UBND TP HCM và tổng đài 1022 để chờ giải đáp những thắc mắc.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here