Chuyên gia: ‘F0 ở TP HCM dễ tăng trở lại nếu hết giãn cách’

0
194
chuyen-gia-f0-o-tp-hcm-de-tang-tro-lai-neu-het-gian-cach-moi

Số ca F0 ở TP HCM đang trên đà giảm dần nhưng vẫn ở mức gần 4.000 mỗi ngày, các chuyên gia lo ngại nếu không tiêm vaccine kịp thời số người mắc có thể tăng cao khi gỡ giãn cách.

Phân tích số ca nhiễm từ ngày 1 đến 10/8 dao động quanh 4.000 mỗi ngày, bác sĩ Phan Hữu Phước (Khoa Y, Đại học Quốc gia, TP HCM) cho biết điều này tương ứng hệ số lây nhiễm trung bình là 2,16. Để hệ số này thấp hơn và tiến đến 0, tương ứng với số ca nhiễm mỗi ngày như hiện nay, thì có thể phải đến cuối tháng 10. “Nghĩa là đỉnh dịch xuất hiện vào nửa đầu tháng 10”, bác sĩ Phước nhận định.

Theo bác sĩ Phước, ba điều kiện để dịch đến đỉnh là: mức độ can thiệp dịch tễ bằng hoặc tốt hơn hiện tại, tốc độ tiêm vaccine và mức độ tầm soát ca nhiễm trong cộng đồng. Nhưng đạt đỉnh dịch không phải là điều đáng mừng nếu lúc đó số ca nhiễm quá cao, sẽ dẫn đến nhiều ca bệnh nặng, tử vong.

Nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo virus chủng Delta có thể xuyên thủng ba lá chắn truy vết, khoanh vùng, cách ly. “Một số nước cho rằng phong tỏa không còn là vũ khí tối thượng để chống biến chủng Delta, mà vaccine và thuốc kháng virus mới là cần thiết. Do đó, tiêm vaccine cực nhanh, khẩn cấp ngay lúc này còn có thể cứu được”, bác sĩ Phước nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ, cho rằng số ca mắc tại TP HCM đang đi ngang có thể là nhờ giãn cách, song “chỉ có vaccine sớm mới giảm được dịch”. Nếu người dân thành phố không chích vaccine, nguy cơ phải tiếp tục giãn cách kéo dài để số F0 không tăng cao.

Đánh giá biện pháp giãn cách là lựa chọn duy nhất của các quốc gia chưa có đủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, nhằm ngăn chặn đà tăng ca nhiễm, bác sĩ Phước cho biết, các chuyên gia thế giới ước tính với chủng lây lan nhanh như Delta cần giãn cách khoảng 180 ngày mới có hy vọng chặn dịch. Muốn giảm thời gian giãn cách, TP HCM cần kết hợp tăng tốc truy ca nhiễm trong cộng đồng để giảm hệ số lây nhiễm, giảm mật độ ca nhiễm.

Các bác sĩ cũng đặt ra vấn đề “nên cân nhắc kit test nhanh tại nhà” để việc truy ca nhiễm trong cộng đồng hiệu quả hơn. Việc này đã được nhiều nước trên thế giới khuyến khích làm, thành phố chỉ cần quản lý kit nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn độ nhạy, độ đặc hiệu với Covid-19 và hướng dẫn người bệnh xử trí khi dương tính…

Về việc này, bác sĩ Phước cho biết, tại các nước người dân tự test nhanh đã cho thấy lợi nhiều hơn hại. Tùy từng điều kiện mỗi quốc gia việc áp dụng sẽ khác nhau. Chẳng hạn tại Australia, nhiều trạm làm kit test nhanh miễn phí được đặt tại trung tâm thương mại, nhà ga, công viên… và người có test nhanh dương tính được khuyến cáo tự cách ly tại nhà 14 ngày.

chuyen-gia-f0-o-tp-hcm-de-tang-tro-lai-neu-het-gian-cach-moi
Người dân tiêm vaccine tại điểm tiêm ở quận 11, ngày 2/8. 

TP HCM đang đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Để đảm bảo độ phủ vaccine cho hơn 7 triệu dân thành phố từ 18 tuổi trở lên, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin cấp 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8. Tính từ ngày 8/3 đến 12h ngày 9/8, thành phố được phân bổ gần 4,2 triệu liều vaccine, dự kiến ngày 12/8 sẽ tiêm hết vaccine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here