Chính phủ thảo luận biện pháp thích ứng an toàn với Covid-19

0
539
chinh-phu-thao-luan-bien-phap-thich-ung-an-toan-voi-covid-19

Bên cạnh sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau về dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với Covid-19, nên Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến các địa phương.

Trong phiên họp thường kỳ ngày 2/10, Chính phủ tập trung thảo luận hai nội dung: Tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021; thảo luận kỹ hơn về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19 và từng bước mở cửa trở lại, đưa cuộc sống về điều kiện bình thường mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các tỉnh, thành tham dự phiên họp tại điểm cầu địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói vừa qua, việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành đã đạt kết quả nhất định bước đầu.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) thống nhất cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Bộ Y tế được giao xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời, gửi các tỉnh, thành và lấy ý kiến tới tận cấp huyện, xã. Ban chỉ đạo, Bộ Y tế cũng nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan liên quan, lắng nghe, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… về dự thảo.

chinh-phu-thao-luan-bien-phap-thich-ung-an-toan-voi-covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Đây là vấn đề khó. Như tôi đã nói nhiều lần, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau, để chúng ta có đầy đủ thông tin, đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng”, Thủ tướng nói.

Qua gần hai năm phòng chống dịch, Việt Nam đã hiểu rõ hơn về virus và dịch bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn khó lường, một văn bản không thể điều chỉnh hết toàn bộ mọi góc cạnh của cuộc sống từ trung ương tới cấp xã, phường.

Việc xây dựng dự thảo được tiến hành thận trọng với mục tiêu phù hợp nhất có thể trong điều kiện hiện nay. Đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch chưa có tiền lệ, diễn biến nhanh, phức tạp, liên quan tới tất cả công dân và mọi lĩnh vực như an ninh trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

“Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng mà chúng ta phải duy trì”, Thủ tướng nói và đề nghị các đại biểu góp ý để nhanh chóng ban hành hướng dẫn trên phạm vi cả nước để thực hiện nhất quán từ trung ương tới địa phương, đồng thời vẫn phù hợp với các địa bàn đặc thù như TP HCM, Hà Nội…

Người dân Hà Nội chạy bộ buổi sáng, trong ngày đầu thành phố cho phép tập thể dục ngoài trời, ngày 28/9.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến việc sau khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, có hiện tượng nhiều người dân di chuyển tự phát về quê.

Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi người dân nên kiềm chế, không di chuyển tự phát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ông yêu cầu TP HCM và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tiếp tục giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

Trường hợp người dân thực sự có mong muốn về quê vì các lý do khác nhau, thì các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa đảm bảo an toàn, tránh gây bức xúc. Chính phủ đã và đang nỗ lực hết mình nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất vaccine để tiêm miễn phí cho nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động vaccine trong nước. Việt Nam phấn đấu đến cuối năm 2021 có hơn 90% dân số trên 18 tuổi tại tất cả các địa phương được tiêm ít nhất một mũi vaccine; có kế hoạch tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi…

Theo dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với Covid-19, địa phương được coi thích ứng an toàn dịch bệnh khi đáp ứng 3 tiêu chí: Ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine Covid-19; tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm; các tỉnh, thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.

Bốn cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh dựa trên một số tiêu chí như: Số ca nhiễm mỗi tuần trên 100.000 dân; tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi) được tiêm vaccine.

Ngày 26/9, 8 hiệp hội doanh nghiệp gửi văn bản đến Thủ tướng, cho rằng nhiều quy định trong dự thảo vẫn mang mục tiêu “zero Covid” chứ chưa hoàn toàn là “sống chung với Covid”. Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vaccine.

Về phía TP HCM đã đề xuất thay tỷ lệ 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine bằng 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine. Thành phố cũng đề nghị thay chỉ số ca nhiễm mới tại cộng đồng bằng số ca nhiễm nặng và tử vong trên 100.000 dân một tuần.

Chiều nay (2/10) Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo thông tin về nội dung phiên họp nêu trên.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here