Vì sao TP HCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ đồng?

0
197
vi-sao-tp-hcm-kien-nghi-trung-uong-ho-tro-28-000-ty-dong

Covid-19 khiến người khó khăn tăng, ngân sách thành phố không thể lo hết, TP HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ 28.000 tỷ đồng giải quyết vấn đề an sinh, giúp chống dịch.

Gần hai tháng thành phố siết đi lại theo Chỉ thị 16 chống dịch, anh Võ Văn Út, 35 tuổi, thuê trọ ở tổ 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12 mất việc, không thu nhập đành sống nhờ đồ cứu trợ của tổ dân phố, nhà hảo tâm. Trước dịch, anh Út chạy xe ba gác giao nước thuê, tiền công trả theo ngày, không có hợp đồng lao động, mỗi tháng thu nhập gần 5 triệu đồng.

Anh Võ Văn Út đã đăng ký nhưng đến nay chưa nhận được hỗ trợ. 

“Tôi ước được nhận 1,5 triệu đồng để trả tiền trọ và nuôi con”, anh Út nói và cho biết thêm dù chủ nhà giảm một nửa tiền phòng nhưng anh vẫn xin nợ vì không kiếm đâu ra tiền. Con gái 9 tuổi phải nhờ chị nuôi giúp một thời gian. Cách đây gần một tuần, trên khu phố chi tiền hỗ trợ nhưng anh và 5 người khác không có tên trong danh sách. Một số người chung khu trọ nhận tiền cùng nhau góp 1,2 triệu đồng chia lại cho nhóm “lọt sổ”. Anh Út được 200.000 đồng.

Ở cạnh phòng anh Út, chị Huỳnh Tiết Hạnh, làm tạp vụ cho một khách sạn trên địa bàn phường cho hay qua hai đợt hỗ trợ chị được giúp đỡ tổng cộng 3 triệu đồng. Chị Hạnh nói rằng cả dãy trọ có 12 phòng, 14 lao động tự do đều được tổ trưởng dân phố lập danh sách, nhưng chỉ có 8 người nhận tiền.

Ông Huỳnh Văn Hải, tổ trưởng tổ 30, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12, cho biết địa bàn có hơn 400 phòng trọ, với khoảng 1.200 người, đa số là lao động tự do. Đầu tháng 6, ông đến các phòng trọ, lấy đầy đủ thông tin để trưởng khu phố gửi lên phường xét duyệt hỗ trợ nhưng chỉ một số người được nhận. Trước tình cảnh đó, ông chỉ biết động viên những người còn lại chờ đợt sau.

Theo Phó chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính, ở đợt hỗ trợ lần thứ hai, riêng với nhóm lao động tự do sống ở khu lao động nghèo, xóm trọ… quận thống kê 64.000 trường hợp. Tuy nhiên quận chỉ được phân bổ gần 11.500 suất, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Do đó các phường không thể hỗ trợ hết mà chọn hộ khó khăn nhất.

vi-sao-tp-hcm-kien-nghi-trung-uong-ho-tro-28-000-ty-dong
Người dân ở Tiền Giang lên TP HCM làm phụ hồ, mất việc nhiều tháng sống nhờ đồ cứu trợ. 

Tại quận Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận cho hay ở đợt hỗ trợ thứ hai, địa bàn có hơn 50.000 hộ lao động nghèo, sống trong xóm trọ, khu phong tỏa… nhưng chỉ được rót xuống hơn 10.300 suất. Ngoài suất phân bổ, với trường hợp khó khăn phát sinh, địa phương vẫn đề nghị thành phố bổ sung vừa tìm nguồn hỗ trợ khác.

Không chỉ quận 12 và Bình Thạnh, các địa phương khác gặp nhiều áp lực khi kinh phí được thành phố rót xuống chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đơn cử như TP Thủ Đức ở đợt hỗ trợ thứ hai có khoảng 103.000 hộ khó khăn nhưng chỉ được phân bổ hơn 23.000 suất; quận Gò Vấp có hơn 54.000 hộ lao động nghèo nhưng chỉ được phân 12.500 suất…

Trên thực tế, khi dịch bùng phát TP HCM sớm có hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Ngoài gói 26.000 tỷ đồng do Trung ương triển khai phạm vi cả nước, thành phố chi hai gói tổng kinh phí gần 1.800 tỷ đồng, giải ngân từ đầu tháng 7. Tuy nhiên nguồn hỗ trợ này chưa đủ giải quyết khi số lượng người gặp khó khăn quá lớn. Nhiều người đã đăng ký nhưng đến nay chưa được nhận, vẫn phải chờ.

Trước thực trạng đó, ngày 17/8, TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo giúp đỡ người dân. Theo chính quyền thành phố, đợt bùng dịch lần thứ 4 diễn biến khó lường, lây lan nhanh nhiều địa phương và TP HCM là tâm điểm dịch khi số ca bệnh và tử vong tăng cao. Thống kế của thành phố, có 1,5 triệu hộ dân với hơn 4,7 triệu người đang khó khăn.

Ngoài ra, dịch cùng với các đợt giãn cách kéo dài tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Số thu ngân sách có xu hướng giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và sẽ không đạt dự toán Trung ương giao năm nay (khoảng 365.000 tỷ đồng). Nhiều người dân nghèo ở các tỉnh không thể trụ lại ở thành phố đã tự phát chạy xe máy rời thành phố để về quê.

Người dân lấy cơm miễn phí qua ống nhựa để giãn cách phòng Covid-19 tại nhà thờ Tân Sa Châu, quận Tân Bình, ngày 26/6. 

Tính toán của chính quyền TP HCM, số kinh phí và lương thực nếu được thông qua sẽ dành hỗ trợ hơn 4,7 triệu người gặp khó khăn. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn 50.000 đồng mỗi người một ngày, 15 kg gạo mỗi người; tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng mỗi hộ một tháng, mỗi hộ được giúp 2 tháng. Việc này giúp người nghèo yên tâm ở tại chỗ, không tự phát về quê dễ làm lây lan dịch.

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, do tỷ lệ điều tiết ngân sách còn thấp (giữ lại 18%) nên nguồn tiền giữ lại hầu như thành phố chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Chưa tính nguồn chi chống dịch, năm 2021 dự kiến TP HCM bội chi hơn 14.000 tỷ đồng. Dịch căng thẳng như hiện nay khiến nguồn tài chính thành phố càng thiếu hụt. Đây là lý do vừa qua thành phố đã triển khai các gói hỗ trợ nhưng chưa “phủ” được hết.

Theo ông Ngân, muốn nhanh chóng dập dịch, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Người dân phải “3 tại chỗ” gồm xét nghiệm, khám bệnh, an sinh tại nhà. “Cứu người như cứu hỏa, còn người là còn tất cả nên Chính phủ cần xem xét hỗ trợ cho TP HCM trong lúc cấp bách này”, ông Ngân nói và cho rằng với 28.000 tỷ đồng, thành phố có nguồn lo an sinh hơn 5 triệu lao động. Phần tài chính của thành phố tập trung cho điều trị, xét nghiệm, hậu cần phòng chống dịch.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, nếu chỉ nhìn vào số tiền đề xuất sẽ thấy rất lớn. Tuy nhiên khi nhìn vào đóng góp của TP HCM vào ngân sách Trung ương (trung bình hơn 300.000 tỷ đồng mỗi năm), sẽ thấy số tiền 28.000 tỷ đồng là cần thiết để thành phố bảo vệ lực lượng lao động, nhanh chóng quay lại sản xuất.

“Người lao động ở TP HCM trực tiếp đóng góp cho nguồn thu ngân sách, nên họ xứng đáng được bảo vệ, đảm bảo an sinh lúc này”, ông Bình nói và cho rằng cần xem số tiền thành phố đề xuất sẽ “bơm” kinh phí cho nền kinh tế thông qua tiêu dùng 4,7 triệu dân. Người dân khi lĩnh tiền sẽ mua thực phẩm, hàng thiết yếu, nông sản… giúp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này bán được hàng, tăng doanh thu, duy trì sản xuất.

Hôm qua, sau đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chính phủ đồng ý cấp hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh thành để hỗ trợ người dân khó khăn do dịch, trong đó TP HCM nhận hơn 71.000 tấn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here