Cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu theo nguyên tắc “trọng tâm, trọng điểm” nhằm sớm phát hiện ca Covid-19, thu hẹp “vùng đỏ” mở rộng “vùng xanh”.
Nội dung được đề cập trong Kế hoạch triển khai công tác xét nghiệm nCoV tại TP HCM do Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu vừa ban hành nhằm đánh giá chính xác tình hình dịch, tiến tới kiểm soát dịch trên địa bàn.
Theo đó, với việc xét nghiệm cộng đồng, tại các vùng bình thường mới (xanh, cận xanh) sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc “vùng xanh” và “cận xanh” với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Khu vực được xem là vùng sạch dựa vào tiêu chí xét nghiệm và các điều kiện: không có trường hợp dương tính sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng nồng độ virus thấp, ít lây lan; tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% đối với nhóm người trên 18 tuổi; có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
Tại các vùng nguy cơ – “vùng vàng”, thực hiện xét nghiệm theo nguyên tắc “ngẫu nhiên, có trọng điểm” bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”.
Đối với các khu phong tỏa, tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định. Trường hợp âm tính có thể giải phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm nCoV. Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới giải phong tỏa khi đủ điều kiện.
Với nơi ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV; tùy điều kiện thực tế, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố lây nhiễm theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm nhanh.
Chính quyền thành phố yêu cầu việc lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng đảm bảo: có mặt của tổ trưởng hoặc tổ phó dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp…; địa điểm lấy mẫu phải phù hợp (tại hộ gia đình hoặc một vị trí thuận lợi, mời lần lượt từng hộ ra lấy mẫu); thực hiện quy tắc 5K, tránh lây nhiễm chéo.
Việc lấy mẫu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu. Nếu người dân có thể tự lấy, nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu sẽ cấp dụng cụ, thu thập ngay kết quả. Người lấy mẫu phải tuân thủ quy định, bảo đảm vệ sinh khử khuẩn, quy trình thay đồ bảo hộ.
Kế hoạch lấy mẫu của thành phố trong 30 ngày tới được chia làm 3 giai đoạn: từ ngày 15 đến 22/8 sẽ giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao; từ 23 đến 31/8 tách được nguồn lây nhiễm mạnh và từ 1/9 đến 15/9 duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Thành phố xác định các mức nguy cơ trên phạm vi tổ dân phố, tổ nhân dân theo các tiêu chí: “vùng cận xanh” (an toàn) khi không có hộ gia đình ghi nhận ca F0 mới trong 7 ngày; trên 14 ngày không ghi nhận F0 được xác định là tổ dân phố đạt “vùng xanh”; “vùng vàng” (nguy cơ) khi trong 7 ngày có một hộ gia đình ghi nhận F0 nhưng không có mối giao lưu với các hộ khác trong tổ; vùng cam” (nguy cơ cao) khi trong 7 ngày có 2 hộ gia đình ghi nhận F0 hoặc một gia đình xuất hiện F0 nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ khác trong tổ; “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao) khi trong vòng 7 ngày có 3 hộ gia đình ghi nhận F0 trở lên.
Tính đến tối qua, TP HCM ghi nhận 152.627 ca nhiễm. Trong cuộc họp chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết những ngày gần đây, số F0 trong cộng đồng có xu hướng tăng cao hơn khu phong tỏa.
“Riêng ngày 16/8, thành phố ghi nhận 3.341 ca nhiễm mới thì số ca ngoài cộng đồng chiếm 53%, cao hơn cả trong khu phong tỏa”, ông Phong nói.
Theo cổng thông tin Covid-19 TP HCM, từ ngày 14 đến ngày 17/8, số ca F0 phát hiện trong cộng đồng tăng mạnh ở quận 1, 3, 8, Bình Tân, Tân Phú…