TP HCM không thiếu thực phẩm

0
300
tp-hcm-khong-thieu-thuc-pham

Nguồn thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường nên Sở Công Thương khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Thông tin này được Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh trong cuộc họp chiều 7/7 sau khi xuất hiện tình trạng người dân ùn ùn đi mua sắm, tích trữ thực phẩm.

TP HCM dự trữ 120.000 tấn hàng

Ông Phương cho biết, vài ngày gần đây khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, lượng hàng về chợ mỗi đêm giảm xuống 4.500-5.000 tấn (trước đó khoảng 6.000-8.000 tấn).

Nhưng theo lãnh đạo Sở Công Thương, đây chỉ là sự thiếu hụt tạm thời. Hiện hàng hoá đã được cung ứng bình ổn và một số đơn vị dự trữ gấp 3 lần bình thường. Trong khi nhu cầu thực tế ngày thường của người dân chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn, mức dự trữ hiện tại là hơn 120.000 tấn.

“Người dân không phải lo lắng trong bất cứ tình huống dịch nào”, ông nói.

Không chỉ nguồn hàng dự trữ dồi dào, các kênh phân phối theo ông Phương cũng trải rộng để đáp ứng trong mọi trường hợp. Hiện TP HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, tại các quận huyện cũng bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ giúp cho người lớn tuổi với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, hội thanh niên…

Tại Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc cho biết, tổng dự trữ hàng hoá thiết yếu lên đến khoảng 40.000 tấn. Các kênh siêu thị đang áp dụng 5-6 kênh phân phối.

Giải thích việc nghẽn hệ thống online, hết sạch hàng trên kệ…, ông thừa nhận do thiếu sót về nền tảng kỹ thuật và quá trình chuẩn bị quá ngắn. “Chúng tôi sẽ tổ chức, điều tiết lại để cung cấp hàng đến tay người tiêu dùng thông suốt trở lại”, ông nói.

Với Satra, Tổng giám đốc Lâm Quốc Thanh cho hay, hệ thống tăng thời gian hoạt động, mở cửa từ 7h sáng đến 23h, thay vì từ 8h đến 22h như trước. Siêu thị cũng trữ lượng hàng đáp ứng đủ cung cấp cho một tháng. Trong một tuần tới, lượng hàng sẽ tăng lên gấp đôi tại kho ở Bình Điền.

Với Vissan, ngoài thịt tươi, đơn vị này còn dự trữ thịt đông lạnh đủ dùng 4-5 tháng gồm: thịt heo, bò và gà.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương Lê Việt Nga cũng cho biết đã chỉ đạo các địa phương, vùng lân cận TP HCM kích hoạt phương án dự trữ và cung ứng hàng hoá thiết yếu lên mức độ cao hơn so với các kịch bản cũ, kịp thời cung ứng hàng cho Sài Gòn trong trường hợp cấp bách.

“Hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, kênh bán hàng online treo trong sáng nay chỉ là cục bộ”, bà nói.

Hàng hoá phân bổ vào TP HCM bằng cách nào?

Khi ba chợ đầu mối đóng cửa, tuyến vận chuyển thực phẩm từ tỉnh, thành phố về các chợ, điểm phân phối nhỏ lẻ của TP HCM được phân tỏa theo nhiều con đường khác nhau.

Ba chợ đầu mối sẽ phân phối hàng theo hình thức trực tuyến, theo Giám đốc Sở Công Thương. Tức là, tiểu thương 3 chợ đầu mối bị đóng cửa vẫn điều hành bán hàng qua điện thoại và kênh thương mại điện tử. Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa đến các nơi, thành phố sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ông Nguyễn Nhu, Phó tổng giám đốc Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết trước khi đóng cửa sáng nay, toàn bộ hàng đã được chuyển tới các chợ truyền thống và cửa hàng. Chợ cũng sẽ hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua hình thức điện thoại.

“Tối hôm qua, lượng hàng về chợ hơn 3.100 tấn, chỉ giảm khoảng 2% so với trước đó”, ông Nhu nói và cho biết, từ ngày mai chợ sẽ phun khử khuẩn để tránh lây lan dịch bệnh.

Các thương nhân đã thuê mặt bằng để tập kết hàng. Ngoài ra, Sở Công Thương 22 tỉnh, thành đã được đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối đang đóng cửa ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Gần đây, khi các chợ đầu mối đóng cửa, nhiều xe tải của các thương lái chở hàng tập kết bán rải rác xung quanh khu vực chợ đầu mối, đặc biệt là mặt hàng rau, củ quả.

“Với cách vận hành này, lượng hàng hóa về thành phố có giảm nhưng không nhiều”, Giám đốc chợ Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng Dũng nói.

Chị Oanh, thương nhân chuyên bán rau củ tại chợ đầu mối Hóc Môn đã tìm mặt bằng gần đó để tập kết hàng hóa. Ngoài bán cho các tiểu thương quen qua điện thoại, chị cũng bán thêm trên các hội nhóm mua hàng ở chợ đầu mối.

Trước, mỗi ngày chị phân phối khoảng 5 tấn rau củ các loại cho các đầu mối đến lấy trực tiếp hoặc giao hàng tận nơi. Giờ chợ đóng cửa, mỗi ngày chị cũng gom được đơn hàng 1-2 tấn để chuyển cho khách.

Thương nhân để sẵn hàng gần chợ đầu mối Thủ Đức cho tiểu thương tới lấy.

Chị Hoàng, thương nhân buôn bán thịt heo tại chợ Hóc Môn cũng dùng xe tải để đến trang trại nhập heo, giết mổ và trao tận tay cho các mối hàng. “Hiện nay nguồn hàng không thiếu nhưng vì các chợ truyền thống đóng cửa nhiều, còn chợ tạm thì ngưng hết nên lượng đặt hàng cũng giảm khoảng 40%”, chị Hoàng nói.

Với kênh bán qua chợ truyền thống, Sở Công Thương cho biết sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.

tp-hcm-khong-thieu-thuc-pham
Khách đi siêu thị Co.op Xtra Phạm Văn Đồng. 

Với kênh siêu thị, đại diện Saigon Co.op và Mega Market cho biết sẽ thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương khi các chợ đầu mối đóng cửa với mức giá hợp lý. “MM Mega Market sẽ tạo số hotline để hỗ trợ thu mua hàng hóa của tiểu thương”, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành MM Mega Market cho hay.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Công Thương thành phố, các hệ thống bán lẻ của Satra, Bách Hóa Xanh… cũng sẽ tham gia đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn thiết yếu.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hàng hoá hiện không thiếu nhưng khó khăn là làm thế nào để lưu thông thông suốt, luân chuyển kịp thời mà không bị lây nhiễm Covid-19. Do đó, vị này cho rằng rất cần sự phối hợp nhịp nhàng liên ngành giữa Y tế, Giao thông và Công Thương, tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hoá luân chuyển.

Hiện Sở Công Thương TP HCM đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện để hàng hoá về với kho tổng. Sở cũng đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết, đảm bảo thời gian thích hợp cho tài xế về thời hạn của giấy xét nghiệm Covid-19.

Tính đến ngày 7/7, TP HCM đã có 127/237 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here