Ngày 24/1, TP HCM ghi nhận thêm 15 ca Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng này ở thành phố lên 88, trong đó 5 ca cộng đồng, còn lại là nhập cảnh.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC), tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch chiều 24/1, cho biết 15 ca nhiễm mới này chưa được Bộ Y tế ghi nhận. Chiều nay HCDC sẽ làm báo cáo gửi Bộ Y tế để cập nhật. Tất cả bệnh nhân đều sức khỏe ổn định, chỉ 7 ca có triệu chứng nhẹ, thoáng qua như mệt, sốt nhẹ, ớn lạnh, đau họng. Các bệnh nhân có thời gian dương tính với virus trung bình 6-7 ngày.
Ca Omicron nặng nhất thời gian là bà cụ 82 tuổi, nhập cảnh ngày 10/1, nhiều bệnh lý nền như ung thư máu giai đoạn cuối, đái tháo đường. Bà được chuyển từ Bệnh viện dã chiến số 12 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hiện nay đã ổn định sức khỏe.
Với chùm 5 ca Omicron cộng đồng, ông Tâm cho biết “đều liên quan đến người phụ nữ 41 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về Nha Trang, sau đó về lưu trú tại TP HCM”. Họ gồm ba ca nhiễm đầu tiên là một người 35 tuổi ngụ huyện Bình Chánh, một người 31 tuổi ngụ quận 11, người còn lại 48 tuổi ngụ Gò Vấp, từng đi ăn cùng người phụ nữ nhập cảnh. Hai ca mới ghi nhận là một nam thanh niên 25 tuổi, em họ của ca Omicron sống tại quận 11. Thanh niên này đã tiêm hai mũi vaccine Covid-19, từ ngày 28/12/2021 làm bảo vệ tại nhà của người phụ nữ nhập cảnh. Trường hợp thứ 5 là nam, 29 tuổi, bác sĩ khoa cấp cứu một bệnh viện tại TP HCM, sống cùng nhà với ca Omicron ngụ quận 11, đã tiêm 3 mũi vaccine.
“Thành phố chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính mới từ chùm ca cộng đồng này”, ông Tâm nói. Như vậy, tính đến chiều 24/1, Việt Nam ghi nhận 156 ca nhiễm Omicron, tại: TP HCM 88 (gồm 5 ca cộng đồng, 83 ca nhập cảnh), Quảng Nam 27, Hà Nội 14, Khánh Hòa 11, Đà Nẵng 8, Thanh Hóa và Quảng Ninh 2, Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bình Dương đều một và là người nhập cảnh cách ly ngay.
Trong bối cảnh hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) khuyến cáo người dân chú ý tuân thủ 5K, đặc biệt là khẩu trang, để phòng ngừa chủng Omicron cũng như Delta. “Chỉ những người tiếp xúc không 5K mới có nguy cơ mắc bệnh. 5K là giải pháp ứng biến với mọi biến chủng”, bác sĩ Châu nói và nhấn mạnh “Omicron có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây… nhưng nó không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi chúng ta rửa tay”.
Omicron được thế giới ghi nhận vào cuối tháng 11 năm ngoái tại Nam Phi, nhanh chóng lan rộng trên thế giới và chiếm ưu thế hiện nay tại những điểm nóng là Mỹ và châu Âu. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa Omicron vào diện biến chủng đáng lo ngại và có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn các biến chủng trước. Đến nay nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn chủng Delta từng là chủng trội suốt năm qua. Tuy nhiên do tốc độ lây nhiễm nhanh, các chuyên gia lo ngại khi số bệnh nhân tăng cao sẽ kéo theo số ca nặng và tử vong tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế.