TP HCM có thể mở thêm các điểm tập kết nông sản

0
309
tp-hcm-co-the-mo-them-cac-diem-tap-ket-nong-san

Khi các chợ đầu mối chưa thể hoạt động trở lại, TP HCM có thể mở thêm điểm tập kết nông sản, trạm trung chuyển để điều tiết hàng hóa.

Đây là đề xuất của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau khi có chuyến khảo sát thực địa tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.

Tổ này cho rằng, trong khi các chợ đầu mối chưa mở cửa trở lại, TP HCM nên xem xét, cân nhắc có thể tính đến phương án mở một số điểm tập kết nông sản, trạm trung chuyển nông sản tạm thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt đáp ứng các yêu cầu phòng dịch Covid-19.

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, hiện 3 chợ đầu mối của TP HCM đang đóng cửa để phòng dịch, việc tận dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực hiện có của các chợ đầu mối này tham gia hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu, đầu ra cho nông sản của các tỉnh, thành phố phía Nam là cần thiết. Việc lập các trạm trung chuyển tại các chợ đầu mối cũng giảm áp lực cho hệ thống phân phối hiện đại và đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân.

Thời điểm bình thường khi chưa có dịch, các chợ đầu mối cung ứng 60-70% cho nhu cầu của người dân trên địa bàn TP HCM. Theo ông Nguyễn Văn Huây – Tổng Giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức, so với trước đây lượng hàng về chợ giảm mạnh chỉ còn 50-60 tấn một ngày, chủ yếu là trái cây và rau củ quả. Để chuẩn bị cho phương án mở trạm trung chuyển, chợ nông sản Thủ Đức đã sẵn sàng sân bãi, nhân sự, lực lượng bảo vệ kiểm tra cũng như tổ chức xét nghiệm cho tiểu thương và lái xe tham gia hoạt động buôn bán.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho hay, khu vực tập kết hàng hóa trung chuyển có diện tích 5.000 m2 và Ban giám đốc chợ đã lên danh sách các xe ra vào khu vực trung chuyển, thực hiện tiêu độc khử trùng và “3 tại chỗ” cho nhân viên, lái xe cũng như các hộ kinh doanh tại đây. Ông Dũng ước tính, nếu đi vào hoạt động trạm trung chuyển này sẽ có sức chứa từ 120-150 tấn thực phẩm một ngày.

Hiện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn vẫn đang chờ các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để giảm áp lực cung ứng hàng hóa cho các kênh phân phối TP HCM.

tp-hcm-co-the-mo-them-cac-diem-tap-ket-nong-san
Chợ đầu mối Hóc Môn trước ngày đóng cửa. 

Báo cáo của Tổ công tác cho thấy, đến ngày 25/7, có tổng cộng 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí với tổ, trong đó sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7 khá dồi dào và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.

Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn xuồng, nhãn Idor, khóm, chanh, chuối, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn sẽ có nguồn cung vượt cầu.

Về tiêu thụ, Tổ Công tác trực tiếp tìm nguồn hàng và kết nối thành công cho 16 hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp và doanh nghiệp thu mua. Số đơn hàng giao dịch thành công được ghi nhận ban đầu là 24 đơn hàng được báo cáo qua Tổ. Có dấu hiệu thiếu hàng hóa cục bộ trong hệ thống các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh do đứt gãy vận chuyển từ các kho tổng; một số siêu thị như ở Bến Tre tăng rất lớn lượng rau mua từ các tỉnh khác.

Tại 19 tỉnh, đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ hoặc không đủ công nhân do phong tỏa. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương. Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch…

Do đó, Tổ công tác yêu cầu chính quyền các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các loại vật tư nông nghiệp xuất, nhập khẩu được lưu thông thuận tiện. Việc này nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, vật tư do khó khăn trong lưu thông; đồng thời tăng cường cập nhật thông tin cung – cầu để điều tiết kịp thời, hạn chế thấp nhất nơi thừa nơi thiếu.

Sở Y tế các địa phương nên sớm hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện an toàn phòng dịch để các cơ sở chế biến giết mổ sớm hoạt động trở lại. Chính quyền các địa phương cũng cần động viên và hỗ trợ các nhà máy chế biến, đóng gói, cơ sở giết mổ đang gặp khó khăn duy trì sản xuất; thường xuyên kiểm tra, rà soát các nguồn cung nông sản; ưu tiên tiêm vaccin và tổ chức test nhanh…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here