Thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động, cho chợ bán rau trở lại

0
175
them-1-000-diem-ban-hang-luu-dong-cho-cho-ban-rau-tro-lai

TP HCM-Để đáp ứng nhu cầu người dân, một vài chợ tạm ngưng sẽ được thí điểm bán rau củ trở lại và nhiều “siêu thị” lưu động sẽ được thiết lập.

Trước việc người dân vẫn ùn ùn đi mua hàng chiều 14/7, Sở Công Thương cho biết, đã và đang đẩy nhanh tiến độ mở các điểm bán hàng lưu động và có nhiều giải pháp để mở rộng kênh phân phối.

Cụ thể, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sẽ kết hợp với nhiều doanh nghiệp để mở thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân.

“Từ 9/7, chúng tôi đã mở được 153 điểm bán hàng lưu động với 172 lượt xe (có nhiều điểm 2-3 xe tải vận chuyển hàng)”, ông Phương nói.

Trong đó, 68 điểm tại bưu cục của Viettel Post, 22 của VN Post ở 18 quận huyện, cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên bao gồm nhiều loại nông sản, thực phẩm tươi như rau, củ, quả. Ngoài ra, Sở phối hợp với Công ty Ba Huân, San Hà và một vài siêu thị khác mở 63 điểm để phân phối cho người dân.

Các điểm bình ổn lưu động bán giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của Sở Công Thương TP HCM.

them-1-000-diem-ban-hang-luu-dong-cho-cho-ban-rau-tro-lai
Điểm bán hàng lư động cua AEON tại gần Chợ Bà Chiểu.

Từ hôm 13/7, các xe bán hàng lưu động của hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến 4 điểm, thuộc 3 quận: Tân Bình, Bình Thạnh và quận 3 để phục vụ người dân. Mỗi điểm bán dự kiến hoạt động trong 1 buổi để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Theo siêu thị này, hệ thống sẽ mở thêm nhiều điểm để phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong thời gian tới.

Như Aeon, MM Mega Market đang mở một điểm bán hàng lưu động trên đường Mai Chí Thọ, An Phú, Quận 2 do B’s Mart điều hành. Hiện B’s Mart đã làm việc với Sở Công Thương TP HCM để xem xét mở thêm nhiều địa điểm mới.

Cũng có ý định mở thêm điểm lưu động, Central Retail, Saigon Co.op cho biết họ đang nghiên cứu và tìm hiểu cách thức bổ sung kênh bán hàng. Tuy nhiên, để vận hành được hệ thống này, họ cần xem xét lại nguồn nhân lực của công ty.

Giá hàng hóa được niêm yết tại điểm bán hàng lưu động. 

Ngoài ra, nhiều hệ thống siêu thị cho biết đang gia tăng hoạt động bán hàng online. Hầu hết siêu thị đều đang bán qua nhiều kênh liên kết như Zalo, Beamin, Grab hoặc qua hotline và website nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Để đặt hàng được tốt hơn, khách hàng nên gọi đến các hotline của cửa hàng đã được Sở Công Thương TP HCM công bố ở mỗi quận huyện để nhờ siêu thị đi chợ hộ hoặc đặt trực tiếp trên website chính thức của siêu thị.

Cũng trong chiều 13/7, Sở Công Thương TP HCM cũng đã hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng.

Theo đó, đơn vị quản lý các chợ đang dừng hoạt động được chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ và đảm bảo quy định phòng chống dịch nhằm bổ sung các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, giảm tải lượng khách đến hệ thống siêu thị.

Sở đề nghị rà soát, thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, khoảng từ 2-10 người. Nếu nhiều tiểu thương có nhu cầu thì bố trí kinh doanh luân phiên, hướng dẫn chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sẵn theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương yêu cầu thực hiện thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, theo dõi, đánh giá việc triển khai thí điểm tổ chức kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả và triển khai mở rộng đối với các mặt hàng tươi sống khác.

Người dân có thể thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin chi tiết về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here