Thế chênh vênh khi Singapore sống chung với Covid-19

0
669
the-chenh-venh-khi-singapore-song-chung-voi-covid-19

Chính phủ Singapore vẫn theo đuổi mục tiêu sống chung với Covid-19, nhưng số ca nhiễm tăng dường như đang khiến họ lúng túng.

Tự do đi lại không cần cách ly và dần nới lỏng giãn cách xã hội là viễn cảnh tươi sáng mà chính quyền Singapore hứa hẹn mang đến cho người dân trong nỗ lực khuyến khích tiêm chủng nhằm hướng tới chiến lược “sống chung với Covid-19”.

Từ 8/9, với hơn 88% dân số đủ điều kiện hoàn thành liệu trình tiêm vaccine, những người Singapore đã tiêm phòng đầy đủ sẽ được bật đèn xanh để đến Đức và Brunei mà không cần cách ly khi về nước.

Singapore cũng sẽ cho những người đã tiêm chủng đầy đủ từ cả hai quốc gia trên nhập cảnh và cho phép họ đi lại tự do sau khi xét nghiệm Covid-19 âm tính. Đây là một phần trong nỗ lực của Singapore, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại, nhằm mở cửa trở lại với thế giới.

Bên trong một điểm xét nghiệm Covid-19 của Singapore hồi tháng 6.

Nhưng tình trạng số ca nhiễm liên tục tăng gần đây đang đặt ra những nghi ngờ xen lẫn lo âu về kế hoạch từng bước mở cửa trở lại và “sống chung với Covid-19” của Singapore.

Sau khi ghi nhận 1.325 ca nhiễm nội địa vào tuần trước, tăng từ 723 ca ở tuần trước nữa, Singapore hồi đầu tuần thông báo lệnh cấm tụ họp và giao lưu tại nơi làm việc, có hiệu lực từ hôm qua, và kêu gọi người dân chỉ nên tham gia các hoạt động đông người một lần mỗi ngày.

Hôm 6/9, phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Sinapgore Lawrence Wong đã làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội về việc liệu kế hoạch mở cửa trở lại ở trong nước có một lần nữa bị đảo ngược không và liệu mục tiêu sống chung với Covid-19 có bị thay đổi hay không.

Bộ trưởng Wong cho biết chính quyền sẽ cố gắng kiểm soát dịch bệnh mà không phải siết chặt các biện pháp hạn chế, song ông cũng không loại trừ khả năng giới chức phải ban bố trở lại tình trạng “cảnh giác cao độ” hoặc nghiêm trọng hơn nữa là phong tỏa.

Lập trường thận trọng của chính phủ Singapore làm bật lên những khó khăn mà các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái sống chung với Covid-19, vì thực tế cho thấy rõ ràng rằng chỉ thúc đẩy tiêm vaccine là chưa đủ để chống đỡ trước biến chủng Delta.

Tiến sĩ Jeremy Lim từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết những cảnh báo của Bộ trưởng Wong được đưa ra dựa trên các mô hình dịch tễ học và mối lo ngại ông đặt ra là hoàn toàn có thể hiểu được.

Theo mô hình của Alex Cook, phó khoa nghiên cứu tại Trường Saw Swee Hock, Singapore có thể ghi nhận 1.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng 9 nếu tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Lý do khiến Bộ trưởng Wong lo ngại nằm ở việc số ca nhiễm cao sẽ “chuyển thành một lượng lớn các ca phải điều trị đặc biệt và cuối cùng là các bệnh nhân tử vong”.

643 bệnh nhân Covid-19 đang nhập viện điều trị ở Singapore, trong đó 6 người phải chăm sóc đặc biệt.

Theo tiến sĩ Lim, cảnh báo của Bộ trưởng Wong “là một viên thuốc đắng khó nuốt đối với đại đa số người dân Singapore, những người đã tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của chính phủ và mong khởi đầu của một thời kỳ sống chung với Covid-19 bắt đầu từ tháng 9”.

“Mặt khác, Singapore tuyên bố đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của đại dịch mà họ phải sẵn sàng từ bỏ và chấp nhận số ca nhiễm tăng lên mở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, khi số ca thực sự tăng, chính phủ vẫn tính đến việc siết các hạn chế. Nếu Singapore không sẵn sàng chấp nhận số ca nhiễm tăng, họ sẽ phải chống chọi với đại dịch nhiều năm nữa”, Cook lưu ý thêm.

Singapore hồi tháng 5 thừa nhận đại dịch sẽ không thể biến mất và cách ứng phó tốt nhất là học sống chung với nó, quan điểm mà một số nền kinh tế từng theo đuổi chiến lược “không Covid-19” khác như Australia gần đây bắt đầu chấp nhận.

Thực tế, số ca nhiễm của Singapore vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Kenneth Mak, giám đốc dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore, tuần trước nói rằng những gì đang diễn ra không “bất ngờ”, hệ thống bệnh viện không “bị quá tải” nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt tương đối thấp.

Nhưng Bộ trưởng Tài chính Wong hôm 6/9 cho hay ông cảm thấy không thoải mái khi hệ số lây nhiễm cơ bản của virus lớn hơn một. “Nếu chúng ta tiếp tục đi theo quỹ đạo này, ta sẽ ghi nhận 1.000 ca trong một tuần nữa hoặc có thể là 2.000 ca trong một tháng”, ông nói. “Chúng ta đã biết chuyện gì xảy ra với các nước khác khi số ca nhiễm tăng vọt. Sẽ có thêm bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt cũng như những người không thể chống chọi nổi với virus”.

the-chenh-venh-khi-singapore-song-chung-voi-covid-19
Một con phố thuộc khu Chinatown, Singapore, vắng vẻ vào ngày 31/8. 

Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) của biến chủng Delta dao động từ 5 đến 8, có nghĩa một người nhiễm virus có thể lây cho 5 đến 8 người khác. Truyền thông địa phương ngày 7/9 đưa tin với các biện pháp kiểm soát hiện tại, R0 của Singapore là 1,45.

Leo Yee Sin, giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore, càng khiến lời cảnh báo của chính phủ trở nên đáng chú ý hơn khi nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 7/9 rằng chỉ tiêm chủng là chưa đủ để ngăn chặn đại dịch. Theo bà, Singapore vẫn cần đề cao cảnh giác, thêm rằng không thể coi Covid-19 như cúm thông thường.

Tiến sĩ Dale Fisher, chủ tịch Mạng lưới Ứng phó và Cảnh báo Dịch bệnh Toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận xét chiến lược mở cửa của Singapore là “thận trọng và hợp lý”.

“Nếu số ca nhiễm cao chuyển thành một lượng lớn ca cần nhập viện thì Singapore sẽ phải áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát tình hình. Một chiến lược rút lui dần dần sẽ cho phép chúng ta theo dõi và điều chỉnh trong quá trình thực hiện”, ông nói.

Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Singapore hoàn toàn có thể táo bạo hơn.

“Tình hình dịch bệnh của Singapore vẫn cực kỳ khả quan”, Cook đánh giá. “Ca nhiễm có thể tăng trong những ngày tới, nhưng những trường hợp nghiêm trọng chủ yếu được ghi nhận trong nhóm số ít người chưa tiêm chủng”.

Tiến sĩ Lim từ NUS cho rằng Singapore không nên “chùn chân” mà hãy mạnh dạn bước tới. “Singapore cũng không nên quá sợ rủi ro đến mức bị tê liệt bởi những mô hình ‘đen tối và u ám’. Chẳng có vấn đề gì khi bạn đặt chân lên tảng đá để cảm nhận, rồi sau đó mới quyết định quay lại và rẽ sang đường khác”, ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ David Allen, chuyên gia tư vấn cấp cao về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Yong Loo Lin, NUS, cho biết việc mọi người ngày càng hiểu rõ hơn và quen thuộc hơn với virus, kết hợp với tâm lý mệt mỏi, chán nản vì đại dịch, khiến họ cảm thấy bực tức trước các biện pháp hạn chế hơn là số ca nhiễm.

Theo ông, chính phủ Singapore vẫn nhất quán khi nói rằng diễn biến dịch bệnh dễ thay đổi, nhưng người dân chỉ tiếp nhận những phần thông điệp phù hợp với mong muốn của họ. Đây là một tình huống hiếm gặp ở Singapore, nơi chính phủ được cả thế giới ca ngợi vì thông điệp sắc bén và chiến dịch tiêm chủng thành công.

Nhưng giải thích về tính đặc hữu của virus và cách một quốc gia sẽ sống chung với Covid-19 như thế nào không đơn giản như việc khuyến khích người dân đi tiêm chủng, Claire Hooker, giảng viên cấp cao về y tế và sức khỏe con người tại Đại học Sydney, nhận định.

Theo Hook, đôi khi việc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế mà mọi người nghĩ là đã thoát khỏi chúng sẽ khiến thông điệp mà chính phủ đưa ra có vẻ “mâu thuẫn hoặc khó hiểu và nó chỉ khiến người dân thêm thất vọng”.

Hook cho rằng chính phủ Singapore không nên né tránh việc lắng nghe suy nghĩ của người dân. “Đầu tiên họ cần thừa nhận, rằng ‘tôi biết tất cả mọi người đều thất vọng. Tôi biết chúng tôi có vẻ như đang mâu thuẫn với chính mình, có thể mọi người cảm thấy bị phản bội và chúng tôi đã khiến các bạn hy vọng hão huyền”, bà nói.

Sau đó, nhà chức trách có thể chia sẻ những chỉ số cụ thể mà họ tìm kiếm để nới lỏng các hạn chế, nhưng đồng thời cũng phải lưu ý tới mức độ không chắc chắn của kế hoạch.

“Một nguyên nhân lớn dẫn tới giận dữ là khi người dân cảm thấy họ không có bất kỳ quyền kiểm soát nào và không được lắng nghe”, Hook cho hay.

“Chúng ta vẫn báo cáo số ca nhiễm hàng ngày trên trang nhất các mặt báo, nhưng con số thực sự đáng lo ngại là có bao nhiêu bệnh nhân nặng”, tiến sĩ Cook từ NUS nhấn mạnh.

Fisher từ WHO cho biết điều quan trọng là Singapore và các nước khác đang chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh cần nhớ rằng mấu chốt của cách tiếp cận này là ngăn chặn ca tử vong và các ca nghiêm trọng. Số ca nhiễm không còn đáng lưu tâm như giai đoạn chưa tiêm chủng.

“Có rất nhiều e ngại khi chúng ta tiến về phía trước. Singapore đã làm rất tốt trong nỗ lực kiểm soát đại dịch và giờ đây phải thay đổi cách nhìn nhận, chấp nhận việc ca nhiễm tăng lên”, ông nói.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here