Tăng tốc nghiên cứu vaccine trong nước

0
271
tang-toc-nghien-cuu-vaccine-trong-nuoc

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng nhanh nhất có thể”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 5/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Đến nay Việt Nam có ba ứng viên vaccine, một loại đã hoàn thành thử nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đang thử nghiệm giai đoạn hai. Hai vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ thử nghiệm trên người giai đoạn một.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, có một số vaccine sản xuất trong nước. Nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine Covid-19, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân. Vì thông tin ban đầu cho thấy vaccine Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt, hay một năm là xong.

“Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trong thời gian ngắn hạn, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng với vaccine”, Phó thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho người nước ngoài đã được tiêm vaccine nhập cảnh vào Việt Nam, bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn. Đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng bên cạnh mua từ nước ngoài, “nhất định phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước”.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo lưu ý việc tiêm vaccine Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng của Liên Hợp Quốc; khẩn trương nhưng chắc chắn; thông đầy đủ cho người dân; chuẩn bị phương án xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng. Các đơn vị cần sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

tang-toc-nghien-cuu-vaccine-trong-nuoc
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, sáng 5/3.

Với hai lô vaccine nhập khẩu về Việt Nam cuối tháng 2, sẽ được tiêm vào đầu tuần tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ Y tế tổ chức, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Trước đây tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố.

“Bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm, nếu có vaccine ngừa Covid-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vaccine đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì những sơ suất ấy sẽ biến thành sự cố lớn”, ông Đam nói.

Hơn nữa, tất cả vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều được phát triển theo quy trình lúc bình thường, với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại 12 năm. Trong khi đó, vaccine Covid-19 được nghiên cứu, phát triển theo quy trình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Vì vậy, các đơn vị phải cảnh giác, chuẩn bị kỹ lưỡng khi tiêm.

“Bộ Y tế tuyên truyền cho người dân, khi tiêm đảm bảo an toàn mức cao nhất, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý”, ông Đam nói.

Ngày 6/3, Bộ sẽ tập huấn với tất cả đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm. Ngày 8/3, các đơn vị bắt đầu tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, vùng có dịch, trường hợp được ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.

Việt Nam dự kiến nhận 150 triệu liều vaccine trong năm nay và đầu năm sau, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, Covax và sản xuất trong nước. Ngày 24/2, hai lô đầu tiên với 117.600 liều đã về đến Việt Nam.

Trong nước, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một vaccine Covivac. Cách thức đăng ký là có thể đến trực tiếp Đại học Y Hà Nội, qua điện thoại, thư điện tử hoặc website.

Covivac do IVAC nghiên cứu, phát triển, là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến tiêm mũi thử đầu tiên thực hiện vào giữa tháng 3.

Ngoài ra, Nanocovax do Nanogen sản xuất hiện đã bước sang thử nghiệm giai đoạn hai. Một đơn vị khác cũng đang nghiên cứu vaccine Covid-19 là Vabiotech, chuẩn bị nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.

Từ ngày 25/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 879 ca mắc Covid-19 tại 13 tỉnh, thành phố. Cả nước đã xét nghiệm gần 1 triệu mẫu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here