Tại sao ‘bệnh nhân 188’ tái dương tính?

0
392
tai-sao-benh-nhan-188-tai-duong-tinh

Chuyên gia lý giải “bệnh nhân 188” xét nghiệm âm tính rồi dương tính, sau đó âm tính trở lại, có thể do độ nhạy của xét nghiệm. 

Bệnh nhân xét nghiệm âm tính hai lần trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Ngày 16/4, bà được công bố khỏi bệnh, đưa về cách ly tại nhà. Một ngày sau, bà có biểu hiện ho, tức ngực, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm. Sáng 18/4, kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng ngày.

Bệnh nhân được bệnh viện Bệnh Nhiệt đới lấy mẫu hai lần vào 13 giờ ngày 18/4 và sáng 19/4, kết quả xét nghiệm âm tính, bằng kỹ thuật RealTime PCR.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch trưa 20/4, nhìn nhận “hai kết quả xét nghiệm ngược nhau trong thời gian rất ngắn trên một bệnh nhân”.

Trước đó đã xảy ra điều tương tự. “Bệnh nhân 22”, quốc tịch Anh, điều trị tại Đà Nẵng khỏi bệnh, hai tuần sau khi ra viện vào TP HCM lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR hai lần dương tính. Khi đó ông đã rời Việt Nam. Tối 17/4 Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM thông báo kết quả xét nghiệm người này sau khi về nước âm tính.

Theo ông Sơn, nguyên nhân “có thể liên quan đến khả năng, năng lực xét nghiệm” trong tình huống các đơn vị phải xét nghiệm một số lượng lớn. 

“Trường hợp này cũng đặt ra vấn đề có lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm hay không”, ông Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng không loại trừ khả năng “có lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm”. 

Ngoài nguyên nhân do lấy mẫu, còn có khả năng khác như virus tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân hoạt động trở lại; hoặc do xét nghiệm phát hiện ra những phần “xác” của virus. 

Dương tính lại hay dương tính giả?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết nơi trú ngụ “yêu thích” của nCoV là ở phổi chứ không nhiều trên vùng hầu họng. Thường khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng là virus đã tấn công đến phổi. 

Trong khi đó mẫu xét nghiệm RT-PCR thường được lấy ở hầu họng. Khoảng một tuần sau khi hết triệu chứng, mẫu bệnh phẩm ở hầu họng gần như khó bắt được virus, nên cho kết quả âm tính. 

Nếu bệnh nhân bị tổn thương phổi, tế bào ở phổi đã nhiễm virus sẽ bị vỡ và bài xuất vật liệu di truyền của virus. Ở những ca phục hồi, hầu hết không biểu hiện triệu chứng nữa; một số người ho, tiết ra chất nhầy để tống xuất những tế bào tổn thương còn sót lại mang vật liệu di truyền của virus.

“Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính, chính là do vật liệu di truyền của virus”, ông Thái nói. “Dương tính trong xét nghiệm RT-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của virus, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và còn đang gây bệnh”. 

Với những trường hợp thế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không, nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không, để xem người đó mắc bệnh lại, hay chỉ dương tính do “xác” virus. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng cho rằng “chưa thể nói đây là hiện tượng tái nhiễm”. Thực tế, có những trường hợp âm tính 2-3 lần, sau đó dương tính rồi âm tính trở lại, do độ nhạy của xét nghiệm khác nhau. 

Nguyên tắc của xét nghiệm là phết họng tìm lượng virus, xác virus, gene virus trong vùng đang phết. Có những test rất nhạy, mẫu chứa khoảng 30 virus đã tìm thấy. Có test đến 100 mới thấy.

“Nếu các kết quả xét nghiệm chênh nhau càng chứng tỏ nồng độ virus thấp, hoặc một khả năng nhỏ họ là người đã khỏi bệnh mà mang tàn dư của virus”. Tàn dư bị bất hoạt và không có khả năng lây nhiễm, ông giải thích. 

Khả năng lây nhiễm từ người tái dương tính

Đến nay chưa thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của người dương tính sau khi đã hồi phục. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn được cách ly theo dõi tại bệnh viện để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới.

Thế giới chưa ghi nhận những lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân đã điều trị khỏi. Ở Việt Nam, tỷ lệ tái dương tính không nhiều nên chưa đủ để khẳng định họ có lây hay không ra cộng đồng, theo tiến sĩ Thái.

Xét nghiệm nCoV ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. 

Hiện ưu tiên hàng đầu của thế giới là tập trung điều trị, chưa có nghiên cứu quy mô lớn về tái dương tính nên chưa rõ thời gian tồn tại trong cơ thể người sau khi khỏi, khả năng lây bệnh sau đó…

Theo một nghiên cứu của Trung Quốc đầu tháng này trên 262 người khỏi bệnh ở Thâm Quyến, có 14,5% tái dương tính, nhưng những người tiếp xúc với họ không bị lây. 

Hàn Quốc ghi nhận ít nhất 141 ca dương tính lại. Theo các chuyên gia, kết quả “dương tính” có thể do khả năng xét nghiệm, sự gián đoạn trong quá trình đào thải virus hoặc nghiêm trọng hơn, nCoV “sống lại” sau một thời gian bị bất hoạt.  

Thứ trưởng Sơn đề nghị việc khẳng định các xét nghiệm và công bố ca dương tính cần có quy trình kiểm tra thông tin, kỹ thuật và năng lực trước khi công bố. Hiện 111 phòng xét nghiệm tại Việt Nam đủ năng lực xét nghiệm nCoV đối với kỹ thuật RT- PCR, trong đó 39 phòng được phép xét nghiệm khẳng định.  

Hôm nay, “bệnh nhân 188” tiếp tục được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lấy mẫu xét nghiệm lại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here