Siêu thị làm gì để tránh nguy cơ đóng cửa vì dính Covid-19?

0
564
sieu-thi-lam-gi-de-tranh-nguy-co-dong-cua-vi-dinh-covid-19

TP HCM-Khử khuẩn cửa hàng mỗi ngày, thực hiện khai báo y tế và đẩy mạnh tiêm vaccine cho nhân viên là cách siêu thị đang làm để đảm bảo hoạt động ổn định.

Chị Hoa, một cư dân tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức cho biết, nhà chị đang trong khu phong toả nhưng rất may là cả tuần nay vẫn có thể mua được thực phẩm tại một cửa hàng Co.op Food gần nhà. Tuy nhiên, hai ngày qua, cửa hàng này phải đóng cửa do xuất hiện F0 lui tới. “Cửa hàng bị ngưng hoạt động khiến gia đình tôi rối bời không biết tìm mua hàng hóa ở đâu vì hiện giờ đặt online cũng khó”, chị Hoa chia sẻ.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ chợ truyền thống ngưng hoạt động (hiện chỉ còn 32 chợ hoạt động), việc siêu thị bị đóng cửa vì có ca nhiễm Covid-19 không chỉ khiến người dân như chị Hoa lo lắng mà đây còn là bài toán cho cả phía siêu thị cũng như Sở Công Thương trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng hàng hoá được coi là cốt yếu đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay.

Qua trao đổi, đại diện Saigon Co.op cho biết, thông thường các siêu thị gần khu phong tỏa dễ xuất hiện các F0 lui tới. Do đó, rất khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ông cho biết, để đảm bảo an toàn, chỉ cần phát hiện dấu vết là siêu thị nhanh chóng lên phương án kiểm soát, cho phun khử khuẩn và test Covid-19 cho nhân viên. “Trước đó, chúng tôi cũng có một vài siêu thị đóng cửa. Nhưng sau khi đã kiểm soát dịch tốt, đủ điều kiện an toàn và được sự đồng ý từ chính quyền địa phương thì có thể mở lại trong vòng 3-7 ngày sau đó”, đại diện Saigon Co.op nói.

Cũng có một số siêu thị nằm trong diện bị tạm ngưng thời gian ngắn do có ca nhiễm Covid-19, Central Retail, Vincommecer, MM Mega cho biết, đối với các khu bị phong tỏa, nếu hệ thống siêu thị bị ảnh hưởng thì sẽ lập tức thông báo cho người dân biết và hướng dẫn họ có thể đặt hàng online qua zalo, hotline hoặc website của siêu thị.

sieu-thi-lam-gi-de-tranh-nguy-co-dong-cua-vi-dinh-covid-19
MM Mega Market tạm ngưng 2 ngày và được mở cửa chở lại sau đó. 

Hồi tháng 7, MM Mega Martket An Phú (TP Thủ Đức) cũng bị tạm ngưng hoạt động do có liên quan đến ca nhiễm, sau khi test Covid-19 cho nhân viên và phun khử khuẩn, siêu thị được mở lại sau 2 ngày tạm đóng. Sau đó, để hạn chế lây lan, siêu thị chọn phương án hạn chế khách bằng cách cho khách vào mua theo đợt. Mỗi đợt, siêu thị chỉ cho khoảng 30 khách vào. Khách sẽ đứng xếp hàng ở bãi xe theo đúng khoảng cách 2 m, bãi xe đầy thì siêu thị sẽ tạm ngưng đón khách mới trong khoảng 2 tiếng rồi mở trở lại.

Để hạn chế lây nhiễm sau khi được tái mở cửa, nhiều siêu thị cho biết lên nhiều phương án và cách thức bán hàng hơn. Với Saigon Co.op, đơn vị này cho hay những đại siêu thị, khi lượng khách ghé đông sẽ huy động thêm nguồn lực từ các cửa hàng nhỏ, hoặc từ những điểm ít khách sang.

Song song với việc điều phối nhân sự, hệ thống siêu thị này cũng thực hiện nhiều phương án bán hàng để bảo vệ nhân viên và chuỗi siêu thị. Trong đó, siêu thị đang triển khai việc bán hàng thông qua phiếu hẹn giờ khách hàng. Với hoạt động này, ngoài kiểm soát được sự chen lấn còn giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Siêu thị còn tổ chức test Covid-19 cho nhân viên mỗi tuần để tầm soát dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Với Central, ngoài việc thực hiện nghiêm 5k theo hướng dẫn của Bộ Y tế, toàn bộ nhân viên, bảo vệ, vệ sinh đều kiểm tra nhiệt độ trước khi vào ca làm việc, đeo khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn 100%. Các khu vực có lưu lượng lớn khách hàng tập trung như: bàn cân, quầy thu ngân…đã bố trí nước rữa tay, vách ngăn kính để ngăn sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng.

“Chúng tôi khử khuẩn toàn bộ cửa hàng mỗi ngày (sau giờ hoạt động) bởi các công ty chuyên trách về khử khuẩn. Vệ sinh lau diệt khuẩn các khu vực công cộng như ghế khách hàng ngồi, bàn ghế, tay nắm xe đẩy, tay nắm giỏ kéo, thanh vịnh,…từ 3-5 lần một ngày”, đại diện Central Retail nói.

Ngoài ra, nhân viên, nhà cung cấp của các siêu thị cũng phải khai báo y tế qua QR Code. Siêu thị cũng phải phân luồng, kiểm soát, hạn chế tối đa tiếp xúc của các đối tác giao hàng đối với nhân viên.

Cùng với các kế hoạch kiểm soát, hiện nay hầu hết các siêu thị đều tích cực đề xuất cho nhân viên tại các siêu thị được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Tại hệ thống VinMart, VinMart+ số lượng nhân viên (bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu) đã tiêm vaccine là hơn 6.500 người trên tổng số 40.000 nhân viên.

Còn tại các hệ thống siêu thị khác, lãnh đạo cũng cho biết đang cho nhân viên tiêm vaccine để đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt và ổn định hơn.

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, tính đến ngày 21/7, TP HCM có chưa tới 1% siêu thị, cửa hàng (trong tổng số hơn 106 siêu thị) đóng cửa do xuất hiện các F0 lui tới.

Hiện nay, ngoài hệ thống phân phối chủ lực là siêu thị, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho người dân, Sở Công Thương TP HCM cho biết đã lên đầy đủ các phương án. Tới nay đã và đang triển khai được 800 điểm bán hàng lưu động. Với những khu có nhiều cửa hàng, siêu thị phải đóng vì có ca nghi nhiễm, Sở đều đề nghị địa phương đăng ký hỗ trợ để điều động các xe buýt bán hàng lưu động tới các điểm bán để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Ngoài ra, các chuỗi cửa hàng kinh doanh khác như Con Cưng, Guardian …cũng đã bán thêm rau củ quả. Gần đây, các chuỗi hệ thống mỹ phẩm The Face Shop, chuỗi nhà hàng Pizza4Ps, chuỗi Anh văn Yola, Hoa Yêu Thương… cũng cho biết sẵn sàng chuyển đổi tạm thời công năng, sử dụng các kho sẵn có cùng tham gia cung cứng rau củ quả, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác phục vụ nhu cầu người dân qua các sàn thương mại điện tử.

Trước đó, Sở Công thương đã phối hợp với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada… để đẩy mạnh bán hàng rau củ quả trên các nền tảng này, giúp người dân có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn các kênh cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm trong thời gian giãn cách.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here