TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.
Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Thành Phong – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM, chia sẻ với báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP HCM trong nhiệm kỳ sắp tới.
– TP HCM đặt mục tiêu phát triển giai đoạn tới như thế nào, thưa ông?
– Trong nhiệm kỳ 2015-2020, TP HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước….
Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương. Đó là đến năm 2025, thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD (khoảng 197 triệu đồng).
Thành phố phấn đấu đến năm 2030 là đô thị dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD (khoảng 301 triệu đồng), là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
– Những giải pháp để đạt được các mục tiêu nói trên là gì?
– Chúng tôi xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để thành phố có thể phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.
Các ngành kinh tế chủ lực của thành phố, có giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch… sẽ được tập trung phát triển. Cơ sở dữ liệu dùng chung được xây dựng và chia sẻ để khai thác, quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong vận hành các hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong khu vực.
Cùng với đó, đề án phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ được triển khai. Chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030.
Cơ cấu xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số – những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và tài nguyên đất đai; tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa và các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Chúng tôi cũng sẽ xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố – thành phố Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho thành phố và cả Vùng…
Thành phố định hướng phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển và khu vực ven biển; khẩn trương triển khai quyết định của Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đây là một hướng phát triển mới về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của thành phố…
– Cùng với phát triển kinh tế, TP HCM đưa ra định hướng phát triển văn hóa – xã hội như thế nào?
– Chúng tôi xác định phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Trước mắt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị…
Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được chú trọng phát triển, để nó thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội; trong đó ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.
Thành phố cũng sẽ quan tâm nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; phát triển TP HCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á…
– Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đề ra 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Thành phố sẽ xây dựng đột phá riêng như thế nào?
– Trên cơ sở ba đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố vận dụng sáng tạo để xây dựng ba chương trình đột phá, đồng thời đề ra một chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển Thành phố.
Đột phá đầu tiên là đổi mới quản lý. Chúng tôi đã kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; đề xuất tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập thành phố Thủ Đức…
Thứ hai là chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố. Hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ được phát triển đồng bộ và hiện đại hóa, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, viễn thông, hạ tầng số, công nghiệp, giao thông, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư.
Thứ ba, chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, với chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, chúng tôi khẳng định sự đồng hành và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới việc nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của thành phố trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP HCM đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%;
Kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố;
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm;
Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…