Những ngày quay cuồng trong tâm dịch ở TP HCM

0
231
nhung-ngay-quay-cuong-trong-tam-dich-o-tp-hcm

Một tuần dốc sức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm người dân, chị Ngô Thị Oanh, 46 tuổi, Trưởng Trạm y tế phường 15, Gò Vấp và các đồng nghiệp kiệt sức nhưng vẫn gắng gượng làm việc.

Giữa trưa 31/5, chị Oanh có mặt tại điểm lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại phường 15. Trời nắng nóng, ít gió, lưng áo chị ướt đẫm mồ hôi, những sợi tóc dính chặt vào trán, nhưng chị không có thời gian để chăm chút lại cho mình. Hàng nghìn người dân cần chờ lấy mẫu khẩn, chị và các đồng nghiệp đi lại như con thoi, hướng dẫn người dân bình tĩnh xếp hàng, giãn cách chờ đến lượt.

Ngày thứ 6 liên tiếp kể từ khi ca nhiễm đầu tiên của cụm dịch liên quan nhóm hội truyền giáo được phát hiện ở Gò Vấp, toàn bộ 6 nữ nhân viên của Trạm y tế phường 15 “chạy hết tốc lực” để theo kịp tốc độ lây nhiễm, song khối lượng công việc luôn rất nhiều, họ chưa có thời gian nghỉ ngơi. Dù không mong muốn, nhưng các chị dự đoán, những ngày như thế này có thể sẽ kéo dài.

“Chúng tôi mệt thực sự, ăn đứng, ngủ ngồi, tranh thủ được lúc nào hay lúc đó”, chị Oanh nói, giọng khàn đặc vì cổ họng đau rát.

Chị Oanh (bìa phải) trao đổi công việc với cấp dưới tại con hẻm sát nhà thờ Tử Đình, đường Thống Nhất, nơi đang phong tỏa vì có ca Covid-19.

Cuộc chiến với Covid-19 đến bất ngờ vào 8h tối 26/5, chị Oanh nhớ lại. Khi đó, chị nhận cuộc gọi từ một phụ nữ trung niên, ngụ trong con hẻm sát hông nhà thờ Tử Đình, báo bà ho, khó thở, mất vị giác khoảng một tuần nay. Người phụ nữ đề nghị được tư vấn và trợ giúp y tế. Nhận thấy đây là trường hợp có các triệu chứng hô hấp, dấu hiệu của Covid-19, chị tập trung khai thác đường dịch tễ, song bà nói không đi đâu, ít tiếp xúc và rất mệt mỏi nên không trả lời thêm.

Nhiều cuộc điện thoại trao đổi thông tin được kết nối giữa người phụ nữ, chị Oanh và Trung tâm y tế quận Gò Vấp, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 phường 15. Dự kiến 6h sáng 27/5, xe chuyên dụng cùng nhân viên y tế sẽ đưa bà đến Bệnh viện quận Gò Vấp khám bệnh và xét nghiệm tầm soát.

Đêm đó chị Oanh trằn trọc không ngủ, nghi ngờ đường dịch tễ của người phụ nữ “có vấn đề”. Sáng sớm hôm sau, chị yêu cầu cấp dưới khai thác lại thật kỹ lịch sử di chuyển, tiếp xúc của người bệnh, trước khi đưa đi lấy mẫu xét nghiệm. Lúc này, người cháu gái đến chăm sóc bà mới cho biết, bà là thành viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, từng tham gia sinh hoạt ngày 1/5. Thời điểm này, chùm ca Covid-19 liên quan hội thánh với ba ca dương tính đầu tiên vừa mới được ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tối 27/5, kết quả xét nghiệm khẳng định hai người phụ nữ trên dương tính nCoV. Con ngõ họ sinh sống được phong toả khẩn, toàn bộ 561 người tiếp xúc phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gộp. Có 5 mẫu gộp trong số đó cho kết quả nghi nhiễm. Phường 15 mở rộng xét nghiệm toàn bộ 50.000 dân, ở 8 điểm. Nhiệm vụ của nhân viên Trạm Y tế phường 15 cứ thế dày lên theo thời gian, xuyên đêm suốt sáng. 6 người chia nhau địa bàn, mỗi người “bám” ít nhất một điểm lấy mẫu, và cơ động đến hiện trường, nếu có ca nghi nhiễm mới.

Ban đầu các y, bác sĩ trực tại khu phong tỏa, điều tra dịch tễ, vận chuyển, cung cấp dụng cụ và hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó, thêm vận động, hướng dẫn người dân tuân thủ 5K, chấp hành lấy mẫu tầm soát tại các điểm lấy mẫu diện rộng, giải đáp thắc mắc, trấn an tinh thần cho người dân. Khi số lượng ca nhiễm, nghi nhiễm, F1 tăng lên mỗi ngày, họ còn theo xe đưa F1 đi cách ly tập trung, đưa F0 và người có triệu chứng hô hấp đến bệnh viện điều trị Covid-19.

Trung bình, mỗi ngày chị Oanh và các đồng nghiệp chợp mắt được khoảng vài ba tiếng, thậm chí ít hơn. Có đêm, gần 4h sáng chị Oanh mới về đến nhà, vơ vội mấy bộ quần áo rồi rời đi ngay, không kịp hỏi han chồng con. Đôi mắt chị quầng thâm sau lớp kính cận, nhiều lúc, mắt kính mờ hơi nước phả ra từ hai lớp khẩu trang.

Anh Đinh Công Dũng (bìa phải), trưởng Trạm Y tế phường 3, là người có mặt đầu tiên tại một chi nhánh ngân hàng để truy vết dịch tễ, khi nhận thông tin một bệnh nhân Covid-19 liên quan hội thánh từng đến đây giao dịch.

Ở phường 3, cùng quận Gò Vấp cách đó 7km, không khí chống dịch 6 ngày qua cũng đang rất khẩn trương. Đây là phường có hàng chục địa điểm phải phong tỏa, liên quan đến ít nhất 18 ca dương tính của chuỗi Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, với nhà thờ – nơi sinh hoạt hội, nhà ở của thành viên hội, phòng khám, ngân hàng mà các ca dương tính từng ghé qua…

Ông Ngô Xuân Bình, chủ tịch UBND phường 3 cho biết, hơn 100 người gồm cán bộ, nhân viên, công an, nhân viên y tế, dân quân… của phường đã thức từ đêm 26/5 đến nay. Họ tỏa ra khắp địa bàn, cùng Trung tâm Y tế quận, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) lập chốt phong tỏa, tổ chức khai báo, truy vết dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch, phun khử khuẩn môi trường, giám sát an ninh, cung cấp nhu yếu phẩm cho các điểm phong tỏa, hỗ trợ lấy mẫu tầm soát diện rộng…

“Dù đã sẵn sàng cho tình huống có ca nhiễm, nhưng dịch diễn biến phức tạp, khó lường, khiến lực lượng bị bào mòn sức lực nhanh”, ông Bình chia sẻ.

Theo anh Đinh Công Dũng, 33 tuổi, trưởng Trạm Y tế phường 3, điều khó khăn và đáng lo ngại nhất trong đợt dịch này là nhiều trường hợp khai báo không trung thực, hoặc khai mơ hồ. Như trưởng hội thánh ban đầu nói, hội không sinh hoạt tại chỗ mà chỉ tổ chức online, cũng không có danh sách những người đăng ký sinh hoạt trong hội. Ngành y tế sau đó bằng nhiều biện pháp mới có được danh sách hội viên.

Hay một gia đình ở gần trụ sở hội thánh, không chủ động khai báo ngay từ đầu là người thân của trưởng hội. Chỉ đến khi có kết quả cả 4 người trong gia đình dương tính nCoV, họ mới nói ra mối quan hệ. Hoặc, một gia đình có con trai là thành viên hội thánh đã đi cách ly, điều trị vì mắc Covid-19. Tuy nhiên, người cha là giáo viên tiếng Anh lại cho biết không thể nhớ được các học sinh mình đã dạy học trong thời gian gần đó, khiến việc truy vết khẩn cấp có lúc rơi vào bế tắc, đồng nghĩa với việc khoanh vùng dịch bị chậm lại.

Những lúc như vậy, nhân viên y tế lại phải làm thêm động tác liên hệ với chính quyền địa phương để đăng thông báo đến các nhóm chat của khu phố, chung cư, đồng thời truyền tin đến những người dân sống xung quanh, để người liên quan chủ động liên hệ, khai báo y tế.

Chiếc điện thoại của anh Dũng, giống như chị Oanh, luôn trong tình trạng “nóng máy”. Khoảng 5 phút, có 4 cuộc gọi đến, anh trao đổi nhanh rồi cúp máy. Chuông tin nhắn cũng dồn dập. Vị trưởng trạm y tế vừa cập nhật tình hình, vừa nhận nhiệm vụ mới, vừa điều phối công việc cho cấp dưới.

Thậm chí, giữa lúc chạy xe máy đến các địa điểm phong tỏa, anh cũng phải dừng lại bên vệ đường mấy lần, để trả lời các cuộc gọi khẩn. Chốc chốc, anh đứng ra một góc ít người, kéo thấp khẩu trang, uống vội một ngụm cà phê đặc, để giữ tinh thần tỉnh táo sau nhiều ngày thiếu ngủ.

“Sợ nhất là không hoàn thành nhiệm vụ, để sót trường hợp dương tính sẽ trở thành tội lỗi”, anh Dũng tâm sự.

Nhiều ngày qua, anh Dũng không có thời gian gọi điện về cho gia đình, càng không bàn đến chuyện về thăm, dù chỗ làm và nhà cách nhau chỉ vài chục phút chạy xe máy.

nhung-ngay-quay-cuong-trong-tam-dich-o-tp-hcm
Nhân viên y tế đi lại, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân phường 15, quận Gò Vấp chiều 28/5.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here