Nhà máy lo thiếu lao động

0
648
nha-may-lo-thieu-lao-dong

TP HCM-Nhiều công nhân về quê tránh dịch, tìm việc mới duy trì cuộc sống khiến các nhà máy đối mặt nguy cơ khan kiếm lao động khi sản xuất trở lại.

Sau gần 70 ngày tạm dừng vì phát hiện ca nhiễm, nhà máy Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn đặt tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) bắt đầu sản xuất trở lại, quy mô 10% so với trước dịch, 119 lao động tham gia với hình thức “3 tại chỗ”. Ông Lê Minh Tâm, Phó tổng giám đốc công ty, nói rằng trong tình huống dịch được khống chế, nền kinh tế mở cửa trở lại, khả năng đến cuối năm nay công suất của nhà máy chỉ đạt 50%.

Nhà máy Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn sản xuất trở lại từ ngày 21/8 với công suất chỉ 10% so với trước dịch.

“Có nhiều lý do khiến nhà máy không thể đạt công suất tối đa, trong đó phải kể đến nguồn lao động không dồi dào như trước”, ông Tâm nói. Trước đây nhà máy có gần 900 lao động, ở đợt bùng phát dịch vừa qua, hơn 300 công nhân nhiễm bệnh. Số còn lại phải đi cách ly tập trung khiến tâm lý người lao động bất ổn, mệt mỏi. Sau các đợt điều trị nhiều người đã rời thành phố về quê, đến nay chỉ còn khoảng 500 người ở lại.

Lãnh đạo Công ty Trung Sơn cho rằng thời gian nghỉ quá dài nên sự gắn kết giữa nhà máy và lao động rời rạc dần, dù doanh nghiệp vẫn duy trì lương tối thiểu, thăm hỏi, hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách hoặc giúp đỡ khi công nhân gặp khó. “Rời thành phố 3-4 tháng, họ dần thích nghi với cuộc sống ở quê, tìm được việc gần nhà, quyến luyến gia đình nên không muốn trở lại”, ông Tâm nói và cho biết thêm lực lượng ở lại cũng xoay xở tìm công việc khác để đảm bảo cuộc sống. Chưa kể, công nhân sẽ “nhảy việc” khi các công ty xung quanh hoạt động trở lại.

Thiếu lao động ngay khi đang thực hiện “3 tại chỗ” và “một cung đường, 2 điểm đến” là tình trạng của Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức). Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay giữa tháng 7, chính quyền yêu cầu doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng dịch phải ngừng hoạt động, gần 6.000 công nhân của nhà máy tạm nghỉ việc. Sau đó phương án sản xuất được thông qua, việc huy động nhân sự gặp khó khăn. Hơn 500 công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương không đi lại được, số khác đã về quê hoặc bị “kẹt” trong các khu phong tỏa.

“Kế hoạch sản xuất sắp tới cần 3.000 lao động nhưng hiện mới chỉ có gần 2.000 người”, ông Hồng chia sẻ. Bộ phận nhân sự nhà máy đang đẩy mạnh tuyển dụng, đưa ra nhiều phúc lợi như công ty sẽ lo toàn bộ chi phí xét nghiệm Covid-19, ăn ở tại khách sạn, trong thời gian nghỉ chờ việc được nhận 70% lương, ngoài ra mỗi ngày còn được trợ cấp 140.000 đồng…

“Tuy nhiên người lao động không mặn mà”, đại diện công đoàn nói. Nhiều công nhân chưa sẵn sàng quay lại nhà máy do tâm lý sợ dịch bệnh. Họ muốn được về quê tránh dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

nha-may-lo-thieu-lao-dong
Công ty cổ phần dệt may Thành Công giữ được một nửa lao động khi tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. 

Nhà máy Công ty Trung Sơn, Nidec Việt Nam là hai trong số hơn 1.600 doanh nghiệp ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao sẽ gặp khó khăn về lao động khi sản xuất trở lại. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp TP HCM (HBA) cho rằng những doanh nghiệp sử dụng đông lao động sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt cao hơn.

Theo thống kê của HBA, ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Ngoài ra, hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu Linh Trung I, II, Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)… nhưng lại thuê trọ, sinh sống ở các khu vực giáp ranh với TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An không thể đi lại được do các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Lãnh đạo HBA cho rằng những công nhân này rất khó tiêm đủ 2 liều vaccine để đảm bảo điều kiện quay trở lại nhà máy khi nền kinh tế tái mở cửa. “Thành phố cần nhanh chóng mở các điểm tiêm lưu động ở khu vực giáp ranh để hỗ trợ cho công nhân và doanh nghiệp”, ông Bé đề nghị.

Sử dụng hơn 10.000 lao động, nhà máy Công ty TNHH Samho Việt Nam (huyện Củ Chi) cũng đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi các phương án giữ chân công nhân gần như không thể thực hiện. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay do tình hình tài chính khó khăn, từ ngày 31/7 công ty phải dừng trả lương cho công nhân. Doanh nghiệp gấp rút nộp hồ sơ xin hỗ trợ tối đa 3,71 triệu đồng cho mỗi lao động tạm hoãn hợp đồng 30 ngày nhưng vừa bị cơ quan chức năng trả lại để chờ hướng dẫn.

“Công nhân không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào để duy trì cuộc sống ở thành phố. Đa số đều đang cầm cự ở lại, nếu các địa phương nới lỏng giãn cách họ sẽ tìm cách về quê”, ông An nói và cho hay muốn giữ chân lao động ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, các gói hỗ trợ của nhà nước cần được đẩy nhanh hơn, đơn giản thủ tục để tiền sớm đến tay công nhân khó khăn.

Nhân viên Công ty Samho Việt Nam (phải) hỗ trợ thực phẩm cho công nhân trong thời gian nghỉ việc.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) toàn ngành có hơn 2.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động. Trước đây, các doanh nghiệp đã đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư, hơn 90% nhà máy phải dừng hoạt động, công nhân nghỉ dịch dài ngày nên có sự lựa chọn công việc khác hoặc rời thành phố về quê khiến cho tình trạng này thêm trầm trọng.

“Doanh nghiệp nào cũng muốn sớm đưa lao động quay trở lại nhà máy nhưng họ đang rất bị động”, bà Xuân nói và giải thích hiện nay doanh nghiệp chưa biết khi nào nền kinh tế mở cửa trở lại để thương lượng đơn hàng với đối tác, từ đó có phương án giữ chân hoặc đón lao động.

Theo lãnh đạo Lefaso, việc đưa công nhân trở lại nhà máy cần sự phối hợp giữa các địa phương và điều phối của Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. “Khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành lên phương án đón lao động trở về, nên chăng khi dịch được khống chế, nền kinh tế mở cửa trở lại, Chính phủ cũng nên yêu cầu các nơi phối hợp để đưa lực lượng này quay trở lại”, bà Xuân kiến nghị.

Tương tự, với những công nhân đã nghỉ việc về quê, bộ phận nhân sự nhà máy Công ty Trung Sơn vẫn giữ mối liên hệ. Khi sản xuất được phục hồi nếu người lao động còn ý định quay trở lại, doanh nghiệp sẽ đưa xe về tận nơi đón lên, giữ nguyên chế độ, phúc lợi.

TP HCM hiện có hơn 1,2 triệu công nhân làm việc ở các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 lao động. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động. Tính đến ngày 1/9, toàn thành phố có hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất với số lượng là gần 14.000 lao động. Phần lớn phải tạm nghỉ việc, chấp nhận giảm thu nhập, đời sống khó khăn, nhiều người về quê.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here