Người Hà Nội đổ đi chợ ngày đầu giãn cách

0
726
nguoi-ha-noi-do-di-cho-ngay-dau-gian-cach

Ngay từ sáng sớm 24/7, nhiều quầy thực phẩm tại một số chợ đã vơi hàng do sức mua tăng mạnh, Hà Nội khẳng định “đủ lương thực, bà con không cần quá lo lắng”.

Tại chợ Hà Đông lúc 6h sáng nay, lượng người tới mua sắm đã khá đông đúc nhưng không có hiện tượng xô lấn, chen đẩy. Người dân tập trung mua nhiều nhất ở các quầy thịt, cá, rau xanh. Nhiều chỗ rau, thịt chưa kịp bỏ hàng ra khỏi túi, người dân đã liên tục hỏi giá để mua vào.

nguoi-ha-noi-do-di-cho-ngay-dau-gian-cach
Chợ Hà Đông kín khách lúc 6h sáng.

Mang hàng tới chợ lúc 5h30, còn chưa kịp “pha” hết thịt và bày biện lên quầy, sạp của vợ chồng bà Hoà, tiểu thương tại chợ Hà Đông đã có 5-6 khách tới mua. Một tay vừa “pha” thịt, một tay bà Hoà vừa nhận điện thoại đặt hàng từ các mối khách quen. “Họ gọi đặt hàng trước để lát nữa ra lấy”, bà cho biết và nói sáng nay lấy hàng tại các mối lò mổ mỗi kg thịt heo lên 200.000 đồng, nên giá bán lẻ cũng phải tăng theo.

Trong khoảng hơn nửa giờ, quầy thịt heo của vợ chồng bà Hoà chỉ còn vài kg mông sấn, 2 chiếc móng giò. “Hôm nay sẽ được nghỉ chợ sớm, nhưng mai chưa biết thế nào, vì nay nhiều người mua rồi nên mai có thể lại ế”, bà nói.

Cảnh đông khách tương tự cũng diễn ra tại các chợ khác ở khu vực Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình. Lúc 6h30, chị Trang đến mua thịt bò tại chợ Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân nhưng quầy cũng chỉ còn vài miếng thịt khoảng vài lạng. Chủ cửa hàng cho biết có khách đến mua hàng từ 5h.

Đến khoảng 8h, một số khu chợ bắt đầu thông thoáng hơn. Tại chợ Phùng Khoang, các đầu cổng ra vào đều có 2 bảo vệ đứng đo thân nhiệt, xịt nước khử khuẩn. Các hàng rau, thịt vẫn còn khá nhiều.

Chợ dân sinh Yên Thái, quận Hoàn Kiếm lúc 8h sáng nay.

Theo ghi nhận của VnExpress, giá các mặt hàng hôm nay, ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đều nhích tăng. Mỗi kg thịt heo mông sấn 130.000-140.000 đồng một kg, tăng 20.000 đồng; thịt nạc vai, sườn thăn 150.000-160.000 đồng một kg, tăng 20.000 đồng so với vài ngày trước.

Các mặt hàng rau, củ quả như bí xanh, khoai tây… hôm nay cũng tăng so với cách đây vài ngày. Bí xanh 30.000 đồng một kg, tăng 5.000-10.000 đồng một kg; khoai tây 20.000 đồng một kg; cà chua 30.000 đồng một kg… Riêng các loại rau xanh giá vẫn ổn định, như rau muống, rau dền hay rau ngót 5.000-6.000 đồng một mớ.

Giá trứng vài ngày gần đây tại các chợ cũng tăng từ 10% đến hơn 20%. Trứng gà ta đang được bán với giá 40.000-45.000 đồng một chục, trứng gà công nghiệp 30.000-33.000 đồng, trứng vịt 35.000- 38.000 đồng.

Sau 9h, các hàng thịt lợn phía ngoài chợ Nghĩa Tân bổ sung thêm hàng mới. 

Do sức mua tăng mạnh, nhiều tiểu thương đã nhập thêm hàng ngay trong buổi sáng để phục vụ nhu cầu người dân. Khoảng 9h, quầy hàng thịt của anh Dũng ở phía ngoài chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy đã bổ sung thêm gần một tạ thịt heo. Thịt vừa được đặt lên phản, khách hàng đã xếp hàng chờ mua.

Anh cho biết, sáng nay đã bán được vài tạ thịt và bán giá không chênh nhiều so với ngày thường. Cách đó hơn chục mét, một hàng thịt bò cũng đang nhập thêm thịt từ một chiếc xe van. Tại chợ này, lực lượng công an, dân phòng cũng liên tục nhắc người mua hàng giữ khoảng cách và hàng quán không được bày bán trên vỉa hè.

Trái ngược với cảnh đông đúc tại chợ, các siêu thị sáng nay lại khá vắng khách. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, lúc 9h các quầy hàng thực phẩm, rau xanh đầy ắp. Trong khi đó, tại siêu thị Aeon, quầy thịt liên tục được bổ sung.

Quầy hải sản đầy ắp lúc 9h tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.

Bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết ngoài các kịch bản cung ứng hàng hoá, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 24/7, Sở đã bố trí khu vận chuyển hàng hoá trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Hàng hóa hiện hiện rất dồi dào.

Các hệ thống phân phối đều tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng 30- 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm nay là 5.698 tỷ đồng.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng, không tập trung đông đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

Hà Nội hiện có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here