Metro Số 1 chạy thử 6 tháng ở depot

0
211
metro-so-1-chay-thu-6-thang-o-depot

TP HCMĐoàn tàu 3 toa đầu tiên sẽ có 6 tháng kiểm tra kỹ thuật, chạy thử ở depot quận 9, trước khi chạy không tải trên tuyến chính Metro Số 1 tháng 4 năm sau.

9h30 sáng 10/10, hai xe cẩu sức tải lần lượt 450 và 250 tấn kết hợp đưa 3 toa Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) mỗi toa dài 21 m, rộng 3 m, cao hơn 4 m, nặng 37 tấn xuống đường ray số T1 tại depot Long Bình (nơi sửa, bảo trì tàu). Ba toa được xe chuyên dụng kéo dồn, ráp thành đoàn tàu hoàn chỉnh.

metro-so-1-chay-thu-6-thang-o-depot
Metro Số 1 được đưa xuống đường ray depot Long Bình, quận 9, ngày 10/10. 

Trước đó, để chuẩn bị đưa 3 toa metro từ cảng Khánh Hội về depot, bộ phận an toàn của nhà thầu Hitachi và liên danh NJPT (tư vấn giám sát dự án) đã kiểm tra, khảo sát từng hướng đi, vị trí xe đậu ở depot để tổ chức hạ tàu. Đoạn ray nơi đoàn tàu chạy thử dài 200 m, rộng 1,435 m, khu rửa tàu kế bên đã được xây dựng.

Ông Nguyễn Bùi Minh Quân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), cho biết giai đoạn đầu, đoàn tàu được kiểm tra kỹ thuật và chỉ chạy thử trong phạm vi depot. Depot Long Bình thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) của Metro Số 1 đã thi công 86% khối lượng. Một số khu vực thuộc depot hoàn thành được MAUR bàn giao cho nhà thầu Hitachi thực hiện các hạng mục lắp đường ray, thiết bị cơ điện (gói CP3).

Ông Hoàng Mai Tùng, kỹ sư điều phối dự án Metro Số 1 cho biết để tàu chạy thử được, ngoài một trạm cấp điện đã xây dựng, sắp tới depot sẽ thi công hoàn chỉnh đường điện trên cao, hệ thống thông tin tín hiệu, đường truyền từ trung tâm điều hành… Ngoài ra, đường ray T1 sẽ được kéo dài thêm để tàu chạy những lần đầu với vận tốc tối đa 20 km/h, sau đó mới chạy tốc độ cao hơn.

Cũng theo ông Tùng, quá trình chạy thử ở depot, tàu sẽ mô phỏng đầy đủ các dải tốc độ (20 km/h, 40 km/h hoặc cao hơn) tương ứng như khi chạy thật. Thời gian đầu tàu chạy không tải để đánh giá khả năng hoạt động của metro và các hệ thống hỗ trợ. Sau đó, tàu chạy theo mô phỏng chở khách nhằm tính toán sát với tình hình thực tế. “Đoàn tàu trước khi đưa ra khai thác và chở khách phải có chứng nhận đánh giá an toàn hệ thống trên toàn tuyến”, ông Tùng nói.

Song song việc chạy thử tàu, hệ thống tín hiệu, thiết bị ven đường, cấp điện, cửa chắn khe ga, hệ thống điều khiển tàu tự động, theo dõi từ xa… cũng được kiểm tra. Trình độ lái tàu, nhân viên điều hành, mức độ an toàn hệ thống… cũng được kiểm chứng, đào tạo khi tàu chạy thử ở depot.

Các kỹ sư đang kết nối dồn 3 toa lại ớ nhau sau khi Metro Số 1 đưa về depot. 

Theo kế hoạch, đoạn từ depot Long Bình đến ga Bình Thái (quận Thủ Đức) được đóng điện vào tháng 4 năm sau để tàu chạy thử trên tuyến chính sau khi kết thúc thử nghiệm ở depot. Sau đó tàu sẽ vận hành thử từ ga Bình Thái đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Cuối cùng, việc chạy thử được thực hiện ở đoạn ngầm giữa các ga Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son (quận 1).

Metro Số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở được 930 khách. Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn một km nên khi đưa vào khai thác, các đoàn tàu dự kiến chạy khoảng 40 km mỗi giờ.

Kế hoạch trước đó, đoàn tàu đầu tiên về TP HCM hồi tháng 4. Tuy nhiên Covid-19 khiến chuyên gia lắp đặt người Nhật bị chậm nhập cảnh, làm kế hoạch đưa tàu về phải hoãn lại. Để bù tiến độ, trên công trường Metro Số 1 hiện mỗi ngày có khoảng 2.600 nhân công thi công.

Để đảm bảo nhân lực vận hành metro, MAUR hiện phối hợp Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 và Cao đẳng Đường sắt đào tạo 58 học viên lái tàu. Các vị trí trưởng ga, nhân viên điều độ… đang tuyển nhân sự.

Khi dự án đưa vào khai thác, mỗi chuyến metro có 4 bộ phận vận hành, gồm: lái tàu, nhân viên điều độ chạy tàu, nhân viên phục vụ tại ga và bộ phận hỗ trợ an toàn. Người lái phải đảm bảo thời gian tàu chạy, tốc độ và biểu đồ hoạt động. Họ cũng trực tiếp giải quyết sự cố, tai nạn trên tuyến, đảm bảo tàu chạy an toàn.

Metro Số 1 dài gần 20 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thành phố đặt mục tiêu hết năm nay, dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Hiện toàn tuyến đạt gần 76% khối lượng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here