‘Khoanh vùng vừa đủ để dập dịch và phát triển kinh tế’

0
262
khoanh-vung-vua-du-de-dap-dich-va-phat-trien-kinh-te

Chính phủ chủ trương “khoanh vùng với bán kính vừa đủ để dập dịch, đồng thời vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thông thương”.

Chiều 3/8, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm trên khi trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất của Bí thư Thành ủy TP HCM trong việc cách ly TP Đà Nẵng.

Theo ông Dũng, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã khoanh vùng và triển khai các biện pháp cần thiết ngay. Các ổ dịch bao gồm ba bệnh viện (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình); khu dân cư, nhà hàng, dịch vụ… quanh các bệnh viện này. Những người từng đến và đi từ các ổ dịch này cũng được rà soát, cách ly.

“Quan điểm chung là khi phát hiện ổ dịch thì phải khoanh lại, đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ để dập tắt”, ông Dũng nói.

khoanh-vung-vua-du-de-dap-dich-va-phat-trien-kinh-te
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

Ông dẫn chứng, khi tỉnh Thái Bình phát hiện ca dương tính nCoV, nhà chức trách chỉ khoanh vùng nơi bệnh nhân sinh sống là thôn Bùi (xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà), chứ không phải khoanh vùng, phong tỏa cả xã hay cả huyện.

“Việc khoanh vùng phải có bán kính vừa đủ để dập dịch, đồng thời vẫn đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thông thương của nền kinh tế. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới là áp dụng chiến lược thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng nêu.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ lấy thêm bài học từ Singapore, khi có dịch bệnh bùng phát ở khu công nhân, Chính phủ đã đóng cửa toàn quốc, vì vậy sau đó cần nguồn lực lớn để “giải cứu” nền kinh tế, trong khi 99% ca lây nhiễm chỉ trong khu ký túc xá của công nhân. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia đã nêu giải pháp “nên chăng chỉ cách ly khu ký túc xá công nhân, không cần đóng cửa toàn quốc?”.

Tiếp sau ông Dũng, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nói “sẽ tiếp thu, nghiên cứu đề xuất của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân để áp dụng phù hợp với điều kiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam”.

Theo ông Cường, hiện các khu cách ly tập trung đang “tương đối đông”. Vì vậy, các địa phương cần tính đến phương án cách ly tại nhà nếu các khu cách ly tập trung quá tải. Bộ Y tế đã chuẩn bị hướng dẫn các địa phương việc cách ly tại nhà, tại khu dân cư, trường học, nhà máy… “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện khi có yêu cầu”, ông Cường nói.

Chiều 2/8, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn thông báo của Bộ Y tế, nêu việc lây nhiễm nCoV ở Đà Nẵng đã diễn ra khoảng 2 đến 2,5 chu kỳ (một chu kỳ khoảng 2 tuần), nên có thể còn nhiều ca bệnh chưa được phát hiện. “Đà Nẵng cần áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn”, ông Nhân đề xuất.

Ông nói biện pháp cao nhất theo kinh nghiệm quốc tế là ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tại Vũ Hán, ban đầu chính quyền yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được một người đi chợ một lần trong ngày. Nhưng sau đó không ai được ra ngoài kể cả đi chợ, mỗi gia đình được phát phiếu thông tin nhu yếu phẩm và chính quyền tổ chức đến giao từng nhà.

Một vấn đề khác được Bí thư TP HCM đặt ra với Đà Nẵng là năng lực cách ly. Trường hợp khu cách ly tập trung quá tải thì “phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here