Doanh nghiệp Việt tìm cách tăng xuất hàng qua Mỹ

0
319
doanh-nghiep-viet-tim-cach-tang-xuat-hang-qua-my

Ngoài duy trì các đơn hàng gia công, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách tăng xuất khẩu hàng ‘made in Vietnam’ sang Mỹ.

Chuỗi tăng trưởng xuất khẩu liên tục 10 năm qua của Việt Nam tạm đứt gãy do Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường chỉ đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Nhưng sang tháng 6, xuất khẩu qua các thị trường bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm là đà tăng của kim ngạch xuất hàng hóa sang Mỹ, với 30,3 tỷ USD (tăng hơn 10%). Kết thúc nửa đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bỏ xa Trung Quốc với 19,5 tỷ USD.

Không ít doanh nghiệp hiện nay coi việc duy trì đơn hàng đã có với đối tác Mỹ trong bối cảnh này là ưu tiên hàng đầu. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và xuất khẩu thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, từ tháng 7, xuất khẩu sang thị trường Mỹ của doanh nghiệp được kỳ vọng hồi phục hoàn toàn khi các bang đã cho phép các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại.

Khác với khách hàng châu Âu thường mua sản phẩm của Vĩnh Hoàn qua hệ thống siêu thị, thì Mỹ tiêu thụ phần lớn thông qua kênh nhà hàng, khách sạn. Bởi vậy, bỏ giãn cách xã hội, nối lại các hoạt động giao thương kinh tế, đồng nghĩa với sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường này hồi phục nhanh trở lại.

Ngoài những doanh nghiệp đang cố gắng duy trì đơn hàng sẵn có, cũng xuất hiện doanh nghiệp thành công ngay lần đầu ra mắt thị trường Mỹ. Cuối tháng 6, lô hàng gạch nhựa hèm khóa SPC đầu tiên của Hoàng Gia Pha Lê (liên doanh giữa Công ty Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia với Công ty Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê) đã xuất sang Mỹ, sau gần 9 tháng đầu tư nhà máy với công suất 8,7 triệu m2 một năm.

Để vào được thị trường khó tính như Mỹ, ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch Pha Lê cho hay, doanh nghiệp này đã mua bản quyền công nghệ hèm khóa của hãng Unilin thuộc tập đoàn Mohawk (Mỹ) – một trong những nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất nước này. Công nghệ trên cho phép việc thi công sàn trở nên đơn giản và dễ dàng, lắp ráp, tháo dỡ bằng tay, không tốn chi phí thi công như các loại vật liệu lát sàn khác.

Bên cạnh đó, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GreenGuard Gold (sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường) mới được xuất khẩu vào Mỹ. Theo kế hoạch, tháng 8 tới sản phẩm sẽ có mặt trên các kệ hàng tại Mỹ.

“Xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo khả năng cung ứng hàng ổn định, ở quy mô lớn. Ngay trong giai đoạn thăm dò thị trường hiện nay, một nhà phân phối đã yêu cầu chúng tôi phải đạt 50 container một tháng”, ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch Pha Lê cho biết.

doanh-nghiep-viet-tim-cach-tang-xuat-hang-qua-my
Dây chuyền sản xuất gạch nhựa hèm khóa SPC của Hoàng Gia Pha Lê.

Chủ doanh nghiệp này cũng cho hay, sau khi nhà máy số 1 vận hành tối đa công suất, nhà máy số 2 với 15 dây chuyền, công suất lớn hơn sẽ được khởi công tại Khu công nghiệp Minh Phương – Hải Phòng. Với mục tiêu “không chỉ xuất hàng mà còn trở thành một phần của thị trường Mỹ”, Hoàng Gia và Pha Lê đã mua bán sáp nhập 2 doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng Mỹ. Theo đó, công ty đã tuyển dụng và sử dụng nhân công bản địa trong chiến lược tiếp cận và phát triển thị trường này.

Theo bà Bùi Kim Thùy – Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, Mỹ là thị trường không dễ vào với nhiều yêu cầu, điều kiện về phẩm cấp hàng hóa khắt khe. Nhưng nếu đã bước qua được cánh cửa này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được thị trường rộng lớn, liên tục tăng trưởng.

Bà cũng cho rằng, có một điểm doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý là hiện nay các tập đoàn lớn của Mỹ chủ yếu tập trung cho phát triển các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, năng lượng, nên ngành sản xuất, chế biến của nước ngoài có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Mỹ luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam, sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) có hiệu lực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao, đạt 75,72 tỷ USD vào cuối năm 2019. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và ở chiều ngược lại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Thị trường và tiềm năng còn rất lớn, tuy nhiên chuyên gia Bùi Kim Thùy cảnh báo, điều mà cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam cần lưu ý để duy trì tốt giao thương với thị trường lớn nhất này là sản xuất và kinh doanh bền vững. Theo đó, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng cũng như truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Những biến động trong mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung Quốc, ở chừng mực nào đó đang buộc các doanh nghiệp lớn – vốn phụ thuộc vào xuất hàng sang Mỹ, đang tìm mọi cách giữ thị trường, bằng các hình thức chuyển đổi sản xuất, đầu tư… “Xu hướng này có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp rào cản kinh tế, kỹ thuật để đối phó, gây khó khăn không nhỏ cho hàng Việt xuất sang thị trường này”, bà Thùy lưu ý.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here