Doanh nghiệp gần như không có doanh thu

0
642
doanh-nghiep-gan-nhu-khong-co-doanh-thu

Chủ tịch Mỹ Lan Group – Nguyễn Thanh Mỹ cho biết 3 sản phẩm chủ đạo của công ty không có doanh thu từ tháng 5 đến nay, vì đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Trong talk Nguy – Cơ số 14 mùa 2 ông Nguyễn Thanh Mỹ đề cập đến nhiều giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp sống chung với đại dịch, trong đó những vướng mắc, bất cập khi doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”; kinh nghiệm thương trường trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi ông từ Canada về nước khởi nghiệp.

Khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”

Theo ông Mỹ, khó khăn lớn với doanh nghiệp giai đoạn vừa qua là cách chống dịch của cơ quan ban ngành địa phương chưa phù hợp với doanh nghiệp. Đơn cử, theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh về tổ chức tái hoạt động của doanh nghiệp, mọi doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho tất cả nhân viên mỗi tuần một lần. Doanh nghiệp của ông Mỹ có 350 người, đã hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh để hàng tuần làm xét nghiệm.

Mỗi lần như vậy, tốn 4 tiếng đồng hồ. Mỗi tuần, doanh nghiệp mất nửa ngày để xét nghiệm và không được vận hành. Nếu doanh thu của doanh nghiệp khoảng 2 tỷ đồng mỗi ngày, mỗi tháng xét nghiệm như vậy, doanh thu mất 4 tỷ cộng thêm chi phí xét nghiệm là 240 triệu một tháng.

Theo ông Mỹ, có những doanh nghiệp có gần 5.000 lao động. Theo chính sách mới, họ chỉ được vận hành 50%, tức là có khoảng 2.215 người lao động. Để xét nghiệm hàng tuần phải tốn 24 tiếng đồng hồ, tương đương 3 ca làm việc và tốn kém nhiều chi phí.

“Ở Trà Vinh có vài doanh nghiệp lên tới 10.000 lao động, 7.000 lao động mà cả tỉnh chỉ có 2 trung tâm làm được xét nghiệm RT-PCR. Vậy nếu những doanh nghiệp này vận hành ‘3 tại chỗ’, không có cách nào để xét nghiệm được”, ông Mỹ khẳng định.

Theo Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group, những doanh nghiệp muốn thực hiện “3 tại chỗ” cần có đủ hạ tầng cơ sở thực hiện. Doanh nghiệp ông được phát triển trên diện tích 30ha, với nhiều nhà xưởng xây dựng khang trang, 2 nhà ăn sang trọng. Một khu 10ha cũng được dành để nuôi trồng, nuôi heo rừng, nuôi gà, nuôi cá, trồng rau củ, trái cây…

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện “3 tại chỗ” là phải cân bằng giữa kỷ luật và sáng tạo. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải “thường xuyên có những hoạt động khích lệ sự sáng tạo cho nhân viên, đồng thời phải làm sao để mọi người luôn giữ kỷ luật. Không ở gần hàng rào, không tiếp xúc với người ngoài để không có F0 vô trong công ty mình”, vị tiến sĩ cho biết.

Cách doanh nghiệp đứng vững trong đại dịch

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, năm 2020, trước những biến động chung của thị trường do Covid-19, doanh nghiệp ông vẫn vận hành tốt, doanh thu tăng. Đầu năm 2021, doanh thu của công ty ổn định, nhưng bắt đầu từ tháng 5 thì vấn đề bắt đầu phát sinh.

Doanh nghiệp có 3 dòng sản phẩm chủ đạo là máy in phun và mực in công nghiệp; dòng bao bì đa lớp, cản khí cao để gói thực phẩm tươi; và phân bón thông minh. Khoảng 4 tháng nay, hầu hết đều không có doanh thu. Nguyên nhân là khan hiếm linh kiện sản xuất cho dòng máy in phun, nguyên liệu sản xuất bao bì gặp khó… dù thị trường vẫn luôn có nhu cầu.

doanh-nghiep-gan-nhu-khong-co-doanh-thu
Công nhân Mỹ Lan Group trong phân khu đóng gói sản phẩm. 

Đứng trước những khó khăn, doanh nghiệp của ông Mỹ thường xuyên phải cân chỉnh lại kế hoạch sản xuất. Những mặt hàng, những dòng sản phẩm bán chạy thì đẩy mạnh tập trung. Những mảng sản phẩm cho nông nghiệp, thủy sản có thể chuyển người qua những bộ phận khác để phụ sản xuất.

Ông Mỹ vẫn đánh giá Covid-19 cũng là cơ hội cho nhiều lĩnh vực mới. Đơn cử như sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ gia tăng nhu cầu giao hàng tới nhà. Các đơn vị kinh doanh thực phẩm cần những bao bì cải tiến để tăng thời gian bảo quản từ 3 tới 5 lần. Những bao bì đóng gói cũng cần phải có khả năng bảo quản thực phẩm lâu hơn, phải được in những mã vạch định danh để người ta có thể truy xuất nguồn gốc hay theo dõi được logistics như thế nào. Đây đều là những mảng có tiềm năng phát triển rất mạnh. Trước đây, doanh nghiệp của ông Mỹ chỉ xuất khẩu, ít bán trong nước. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã phải mua mặt hàng này từ nước ngoài đem về. “Đây là cơ hội để doanh nghiệp sáng tạo ra những công nghệ, sản phẩm mới để sau khi hết dịch đưa ra thị trường nội địa”, ông nói.

Trong talk show, những kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được vị Việt kiều chia sẻ. Theo ông, nếu người kinh doanh nông nghiệp coi nông dân là khách hàng thì sẽ sớm phá sản. Có nhiều chuyên gia về nông nghiệp không hiểu người nông dân thực tế chỉ là người chủ miếng đất, còn người làm cho nông dân mới thật là nhà nông.

Để giải quyết những vấn đề khó khăn trong ngành, ông Mỹ cho rằng phải xây dựng một hệ sinh thái, bao gồm nhiều thiết bị, công nghệ đi cùng để cung cấp một giải pháp tổng thể, toàn diện. Ví dụ, doanh nghiệp ông sản xuất ra thiết bị theo dõi chất lượng nước hay quan trắc độ mặn nước nuôi tôm là phải tạo ra một hệ sinh thái, thậm chí trao tặng miễn phí cho nông dân. Các doanh nghiệp cũng phải bao tiêu đầu ra và giá thu mua phải cao hơn thị trường, làm một chuỗi giá trị từ đầu tới cuối.

“Mình phải làm việc cùng những người nông dân và đưa sản phẩm của họ tới khách hàng. Nói đúng hơn phải làm với họ, sống với họ, giúp họ thì mới phát triển được. Còn nếu mình chỉ đem công nghệ tới rồi để họ tự sử dụng, để họ tự mua và dùng thì sẽ không đi tới đâu”, ông Mỹ khẳng định.

Trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, vị doanh nhân cho rằng cần thiết phải xây dựng cả phần cứng và phần mềm – văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tạo dựng được một môi trường văn minh, giúp cho nhân viên thay đổi những thói quen chưa tốt thành tốt để cùng phát triển.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here