Cuộc sống ‘bình thường mới’ của người dân TP HCM sẽ thế nào?

0
293
cuoc-song-binh-thuong-moi-cua-nguoi-dan-tp-hcm-se-the-nao

“Thẻ xanh Covid” sẽ là điều kiện bắt buộc với mỗi người dân TP HCM khi đi lại, tham gia hoạt động xã hội.

Điều kiện được cấp thẻ là đã tiêm ít nhất một liều vaccine sau 14 ngày tiêm, F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày.

Để nhận thẻ, người dùng tải ứng dụng PC-Covid (hoặc Sổ sức khoẻ điện tử), đăng nhập các thông tin cá nhân theo yêu cầu. Trong ứng dụng này, ngoài thẻ Covid-19, còn các tính năng như cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; thông tin tiêm vaccine; thông tin xét nghiệm; truy vết tiếp xúc gần; xu hướng lây nhiễm; bản đồ nguy cơ…

Người dân sẽ sử dụng mã QR cá nhân khi đến các cơ quan liên hệ công việc hay đi siêu thị, chợ, các điểm kinh doanh.

Giao diện chính của PC-Covid hiển thị thẻ Covid-19. 

Trường hợp không có mã QR, người dân cần xuất trình các giấy tờ: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; tiêm chủng ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm.

Bên cạnh đó, người dân được yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).

Người dân dùng app tham gia hoạt động xã hội thế nào?

Từ ngày 1/10, TP HCM cho phép nhiều cơ quan, ngành nghề kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại. Người có thẻ xanh Covid có thể làm việc tại trụ sở, đến các cơ quan, đơn vị liên hệ công tác, giao dịch tại ngân hàng, đi siêu thị, chợ truyền thống để mua sắm… Tuy nhiên, điều kiện là phải quét mã QR tại điểm đến để cơ quan chức năng giám sát. Trường hợp không có mã QR, các loại giấy tờ chứng minh các thông tin trên có thể thay thế.

“Mã QR kết hợp khai báo y tế điện tử giúp xác định rất nhanh một người có tiếp xúc với F0 hay không. Ví dụ tại một điểm A có một người F0, hệ thống sẽ phát hiện được những người khác đã đến điểm A đó có tiếp xúc hay không”, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết.

Khi xuất hiện các trường hợp F0, hoặc tiếp xúc F0 mã QR sẽ chuyển sang màu đỏ, đồng thời hiển thị thông tin “Đề nghị ông, bà trở về nhà và liên hệ với y tế địa phương để thực hiện các yêu cầu kiểm tra khác”. Khi mã QR chuyển màu đỏ, cá nhân sẽ bị các đơn vị, cơ sở từ chối phục vụ và yêu cầu quay về nhà. Tương tự, nếu người dân không đáp ứng đủ điều kiện (chưa có thẻ xanh Covid) theo quy định cũng không được phục vụ.

Người dân đi lại ra sao?

Sau 30/9, nội thành TP HCM không còn các chốt kiểm soát, giấy đi đường cũng được bãi bỏ. Khi tham gia lưu thông, người dân sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID hoặc PC-Covid để khai báo thông tin.

cuoc-song-binh-thuong-moi-cua-nguoi-dan-tp-hcm-se-the-nao
Người đi đường ở vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), ngày 1/10. 

Về trẻ em dưới 18 tuổi, thành phố sẽ quản lý bằng khai báo y tế. Tuy nhiên, vì mở cửa theo lộ trình, thời gian tới người dưới 18 tuổi chỉ học trực tuyến, nếu không có việc cần thiết, nhóm này không nên ra đường.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hoà Bình, TP HCM không cấp giấy đi đường nhưng sẽ tổ chức tuần tra. Ở các chốt kiểm soát hoặc đội tuần tra lưu động có thể kiểm tra xác suất về điều kiện cho phép đi lại của người dân. Người chưa tiêm vaccine hoặc chưa đủ điều kiện lưu thông khi ra đường sẽ bị xử lý.

Người dân không được tự ý rời thành phố. Các chốt kiểm soát ở nội thành được tháo gỡ nhưng 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh vẫn được duy trì. Lãnh đạo thành phố lý giải việc kiểm soát này nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả người dân vì mỗi tỉnh diễn biến dịch và độ phủ vaccine khác nhau. Người dân cần có nhu cầu về quê phải di chuyển theo tổ chức để tránh lây lan dịch bệnh.

Tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao

Từ ngày 1/10, thành phố cho phép tổ chức lại hoạt động tham quan bảo tàng với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm. Điều kiện tham gia phải có thẻ xanh Covid.

Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

Bé trai lái xe Scooter trên cầu Ánh Sao nằm trong công viên Cảnh Đồi trong ngày đầu quận 7 thí điểm mở lại công viên. 

Người dân cũng có thể tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày theo từng nhóm tối đa 15 người. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19, được hoạt động tối đa 100 người.

Người dân có thể dự đám tang, đám cưới, tuy nhiên các hoạt động này chỉ được tổ chức tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Mở cửa thận trọng, từng bước, có lộ trình

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình, dù công tác phòng chống dịch trên địa bàn đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, dịch bệnh trên địa bàn vẫn phức tạp, số ca mắc mới, ca nhiễm đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn cao. Tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, số người tiêm đủ 2 mũi vaccine tại thành phố chưa cao nên các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế phải cân nhắc và có bước đi thận trọng.

“Tinh thần của Chỉ thị mới không phải ngay sau 30/9 trên toàn địa bàn thành phố tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết”, ông Bình nói tại buổi họp báo công bố Chỉ thị mới áp dụng từ ngày 1/10.

PGS Trần Văn Ngọc (Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM) cho rằng vấn đề mở cửa và chống dịch luôn song song và thực hiện uyển chuyển. Thành phố đã giãn cách 4 tháng nên việc “mở cửa” trở lại sau ngày 30/9 để phục hồi kinh tế là bắt buộc.

“Nếu số lượng bệnh nhân tăng lên mà hệ thống y tế không đáp ứng được, đặc biệt là số trường hợp nặng và tử vong cao, chính quyền sẽ phải siết lại. Chứ bây giờ lo ngại rồi giãn cách tiếp thì người dân sẽ cực kỳ khó khăn và hệ luỵ hệ thống kinh tế, lúc đó không thể có nguồn lực chống dịch hiệu quả nữa”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, sau khi “mở cửa” số lượng ca nhiễm có thể tăng lên so với lúc siết chặt giãn cách, ca bệnh nặng cũng có thể tăng lên, nhưng nếu thành phố đã đạt được các chỉ tiêu về số giường ICU, hệ thống y tế địa phương đáp ứng đủ thì có thể kiểm soát được số bệnh nặng và tử vong. Vì vậy, cùng với việc tham khảo các tiêu chí của Bộ Y tế, thành phố phải căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức độ “mở cửa”.

“Tôi vẫn ủng hộ nới lỏng giãn cách, đặc biệt trong bối cảnh độ phủ vaccine của thành phố đã rất cao, số bệnh nhân nặng và tử vong đều đã giảm so với trước đây. Thực sự, nếu kéo dài giãn cách thêm 1-2 tháng nữa kinh tế thành phố sẽ khó khăn hơn”, ông Ngọc nói.

Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP HCM) cho rằng, xét theo các tiêu chí trong dự thảo của Bộ Y tế, TP HCM sẽ ở cấp độ 3, có thể “mở cửa” ở mức độ nào đó sau 30/9 chứ không thể lập tức trở về trạng thái bình thường như trước. Với cấp độ 3, thành phố có thể “mở cửa”, cho phép họp hành trong nhà 10 người, đủ vaccine lên 50 người, sau đó căn cứ tình hình thực tế mở rộng hơn.

“Cá nhân tôi không ủng hộ thành phố mở cửa bình thường lại ngay vì khả năng lây nhiễm vẫn còn. Do đó việc mở cửa ở cấp độ 3 là phù hợp trong bối cảnh thành phố hiện nay”, ông Dũng nói và cho rằng sau khoảng nửa tháng, nếu tình hình ổn hơn, tỷ lệ tiêm chủng nhóm người trên 50 tuổi tăng lên, đạt 80% thì sẽ điều chỉnh “mở” thêm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here