Covid 24h: Lãnh đạo TP HCM, Đà Nẵng đối thoại với dân

0
549
covid-24h-lanh-dao-tp-hcm-da-nang-doi-thoai-voi-dan

Chủ tịch TP HCM giải đáp thông tin cho người dân qua chương trình livestream, Bí thư Đà Nẵng đến chợ hỏi ý kiến bà con về chính sách an sinh.

Hai tuần sau khi nhậm chức Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi lần đầu tiên đối thoại trực tuyến với nhân dân thành phố qua chương trình Dân hỏi – Thành phố trả lời tối 6/9. Ông giải đáp nhiều thắc mắc về chính sách an sinh, phương hướng chống dịch, nới lỏng dần các hoạt động sau ngày 15/9 nếu kiểm soát tốt tình hình.

Shipper xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm khi TP HCM cho lực lượng này hoạt động lại ở 8 quận, huyện “vùng đỏ”, hôm 31/8.

Về khôi phục dần hoạt động, từ nay đến 15/9, thành phố sẽ thí điểm cho “vùng xanh” đi chợ một lần mỗi tuần, mở lại một số dịch vụ bán mang về. Địa bàn an toàn có thể mở lại dần các hoạt động thiết yếu, sau ngày 15/9. Từ nay đến lúc đó, người dân vẫn cần thực hiện nghiêm “ai ở đâu yên đấy”. Chính quyền cũng chưa thể trả lời cụ thể khi nào hết cách ly xã hội vì phụ thuộc tình hình dịch bệnh.

Về an sinh, thành phố đã chi gần 6.000 tỷ hỗ trợ người dân khó khăn do dịch, trên 1,6 triệu túi nhu yếu phẩm và 14.000 tấn gạo. Chính quyền tiếp tục hỗ trợ người dân, mức hưởng có thể ít hơn 1,5 triệu đồng nhưng sẽ thường xuyên hơn. Thành phố sẽ vận động giảm tiền nhà trọ, điện nước bên cạnh trao túi an sinh, gạo, thực phẩm. Trên sóng livestream, nhiều người phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đã kiệt quệ nhiều tháng, ông Mãi “xin nhận khuyết điểm với bà con” khi chính quyền có lúc chưa bao quát được cả chục triệu dân.

Thành phố đang có hơn 109.700 F0 cách ly, điều trị tại nhà và nhiều người trong số đó chưa nhận được túi thuốc điều trị. Qua thống kê, Sở Y tế TP HCM đã phân bổ gần 125.900 túi thuốc các loại A, B, C đến địa bàn, song các trung tâm y tế mới phát được hơn 66.500 túi. Sở đã yêu cầu các địa phương rà soát để cấp phát thuốc ngay cho F0.

Ngày đầu tiên nới lỏng cách ly xã hội, Bí thư Đà Nẵng trực tiếp đến chợ Hàn để hỏi ý kiến người dân về chính sách hỗ trợ và biện pháp chống dịch sau 20 ngày “ở yên trong nhà”. Đáp lại, người dân cho biết có người nhận được tiền, gạo, thực phẩm, nhưng cũng có người chưa. Họ mong muốn lãnh đạo có kênh tiếp nhận trực tiếp thông tin phản ánh khó khăn và hỗ trợ cho lao động tự do. Chuyến đi đột xuất nhằm xem “chính sách hỗ trợ của thành phố đã đến tay người dân hay chưa”.

Sau hai ngày triển khai, thành phố đã cấp hơn 120.000 giấy đi đường qua hình thức trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Người dân có thể đăng ký trên website hoặc tải ứng dụng trên smartphone, mất khoảng 5-10 phút để hoàn thành và được cấp mã QR Code để in ra giấy sau khi có xác nhận. Thành phố dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.

covid-24h-lanh-dao-tp-hcm-da-nang-doi-thoai-voi-dan
Công an kiểm tra giấy đi đường trên phố Trần Nhật Duật, Hà Nội, sáng 6/9.

Hà Nội trải qua ngày đầu tiên thực hiện phân vùng chống dịch, với số nhiễm ghi nhận 53 ca trong vòng 24 giờ. Sáng đầu tuần, dòng phương tiện dồn ứ tại một số chốt kiểm soát khi người dân di chuyển từ “vùng cam” vào “vùng đỏ” để đi làm. Lực lượng đứng chốt luôn tay kiểm tra giấy đi đường, điều tiết phương tiện. Quang cảnh thưa vắng hơn trong các tuyến phố trung tâm khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Hôm qua cũng là ngày đầu tiên thủ đô áp dụng cấp giấy đi đường mẫu mới. Trải qua gần 45 ngày chống dịch, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh việc cấp phát giấy đi đường. Hôm 29/7, chính quyền lần đầu ban hành mẫu giấy đi lại, sử dụng thống nhất toàn thành phố cho người lao động, doanh nghiệp được phép ra đường. Tối 8/8, thành phố ra thông báo điều chỉnh quy định cấp giấy, yêu cầu người đi đường ngoài xác nhận của cơ quan và ủy ban phường, cần thêm lịch trực, lịch làm việc của cơ quan. Song yêu cầu này được hủy bỏ chỉ chưa đầy hai ngày sau đó. Đến 3/9, công an Hà Nội đề xuất chủ trì cấp giấy đi lại có mã QR Code cho những người đủ điều kiện ra đường và bắt đầu thực hiện từ 6/9.

Hai ngày trước trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Hà Nội cùng với Hải Phòng, Cần Thơ là ba tỉnh thành Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tên về việc chưa tính toán kỹ lưỡng khi ban hành quy định chống dịch, nhất là lưu thông hàng hóa, giao thông.

Đại diện nhiều doanh nghiệp rời trụ sở Công an phường Mễ trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tối 6/9, sau khi nộp hồ sơ làm giấy đi đường. 

Trong ngày hôm qua, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã cấp hơn 80.000 giấy đi đường có mã QR cho nhóm vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hoạt động công ích. Với nhóm giấy đi đường do công an các xã, phường cấp, nhiều người dân, doanh nghiệp cho biết họ gặp khó trong việc liên hệ với cảnh sát khu vực. Tại một số phường, đại diện doanh nghiệp phải chờ đến tận khuya để nộp hồ sơ cho kịp lấy giấy trước ngày Hà Nội siết chặt đi lại trong vùng đỏ.

Cùng với phân vùng chống dịch, siết chặt đi đường, Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ dân cư trên địa bàn. Thủ đô đặt mục tiêu vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 15/9, “phủ” xong mũi 1 vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Chính quyền nghiên cứu hướng dẫn đi lại, lao động, sản xuất, tham gia phòng chống dịch cho người đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Tính tới 6/9, cả nước ghi nhận gần 532.500 ca nhiễm, trong đó gần 301.500 người khỏi bệnh, chiếm 56,6%.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here