Chuyên gia nêu giải pháp đẩy nhanh hỗ trợ lao động tự do

0
162
chuyen-gia-neu-giai-phap-day-nhanh-ho-tro-lao-dong-tu-do

Theo chuyên gia, cần lấy kết quả triển khai gói 26.000 tỷ đồng, bao gồm việc hỗ trợ lao động tự do làm một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác chống dịch.

Gần 20 ngày Chính phủ tung gói an sinh 26.000 tỷ với 12 chính sách; riêng nhóm lao động tự do giao về cho các địa phương thống kê, xây dựng tiêu chí và mức hưởng (không quá 1,5 triệu đồng hoặc 50.000 đồng một ngày). Một số tỉnh thành đã lên danh sách cụ thể những nhóm ngành nghề tự do sẽ nhận hỗ trợ. Song nhiều địa phương hiện chưa có kế hoạch, hoặc đã ban hành song “đang nghiên cứu” về phương thức hỗ trợ.

chuyen-gia-neu-giai-phap-day-nhanh-ho-tro-lao-dong-tu-do
Người lao động nhận gạo từ “ATM miễn phí” ở Hà Nội hồi tháng 4/2020. 

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam, nói việc giao các tỉnh, thành hỗ trợ lao động tự do tạo nên sự chủ động cho chính quyền địa phương, tuy nhiên có thể dẫn đến mức hỗ trợ khác nhau, dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách.

Thời gian qua, thu thập ý kiến phản hồi về giải ngân gói 62.000 tỷ đồng, Oxfam tại Việt Nam nhận thấy nhiều lao động phản ánh không nắm được các thủ tục cần làm; không đủ điều kiện với yêu cầu chứng minh cư trú hợp pháp; không có tổ chức xác nhận tình trạng mất việc làm hay thu nhập dưới mức nghèo để nhận hỗ trợ.

Ông Tú nhận định, nếu tiếp tục thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm thực thi và địa phương không đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thì tỷ lệ người lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng sẽ khó đáp ứng mục tiêu đề ra.

Ông khuyến nghị Chính phủ hoặc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục ban hành hướng dẫn hỗ trợ với nhóm lao động tự do; hoặc quy định trách nhiệm thực thi chính sách của bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là người đứng đầu. “Kết quả hỗ trợ nhóm lao động này nên được lấy làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong phòng chống dịch”, ông nói và cho rằng việc hỗ trợ cũng nên mở rộng, bao trùm tất cả các nhóm việc làm khác nhau của lao động tự do, với tiêu chí duy nhất là giảm hoặc mất việc do dịch.

Để thủ tục đơn giản hơn, ông đề xuất nên bỏ yêu cầu lao động có chứng minh cư trú hợp pháp, đăng kí thường trú hoặc tạm trú; bỏ yêu cầu về quê lấy xác nhận ở nơi thường trú hoặc tạm trú khi nhận hỗ trợ. Địa phương nên tổ chức nhiều kênh khác nhau để cùng rà soát nhóm này, như tổ dân phố lập danh sách trong địa bàn quản lý; chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ lập danh sách lao động không có hợp đồng; người lao động đăng ký được hỗ trợ trực tiếp tại tổ dân phố hoặc qua website của chính quyền.

Cấp phường xã có thể thông tin rộng rãi hơn trên loa phường, fanpage về chính sách, thủ tục nhận.

Ông Tú và bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động xã hội, chung quan điểm cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai hỗ trợ. Bà Hương cho rằng hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành và có nhiều phần mềm hỗ trợ thu thập dữ liệu, cập nhật quá trình thay đổi thường trú, tạm trú của công dân, do vậy các thủ tục liên quan nên được đơn giản hóa tối đa.

Theo bà Hương, trong khi các nơi đang bận chống dịch và chờ cân đối ngân sách, việc cần làm lúc này trước khi tiền hỗ trợ đến tay người dân là tổ chức thêm các ATM gạo; tặng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho lao động tự do.

Chính quyền có thể hỗ trợ 80.000 tiền ăn một ngày cho người đang trong vùng cách ly, giãn cách vì nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 15, 16, ngừng dịch vụ không thiết yếu. “Hiện người lao động gặp khó khi ra ngoài tìm việc làm, do vậy cần triển khai hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, các địa phương có thể cân nhắc chính sách miễn giảm tiền điện, nước, các khoản đóng góp hoặc học phí cho con em lao động tự do”, bà Hương nói.

Các chuyên gia cho rằng cách hỗ trợ lao động tự do của TP HCM để lại nhiều bài học mà các địa phương có thể tham khảo. Đây là nhóm được thành phố ưu tiên chi trả trước để họ có tiền vượt qua những ngày cách ly xã hội. Đến nay, TP HCM đã trải qua 50 ngày giãn cách lẫn cách ly xã hội và lần lượt áp dụng ba chỉ thị chống dịch. Song đây là địa phương duy nhất hoàn thành hỗ trợ đợt đầu cho lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng mỗi người, và sẽ chi trả tiếp một đợt nữa tương ứng với số ngày áp dụng Chỉ thị 16.

Phương án hỗ trợ những người buôn thúng bán bưng đã được ngành lao động thành phố tính từ cuối tháng 5. Nguyên do họ chưa kịp hồi phục sau các đợt dịch năm 2020 lại chịu tiếp hai làn sóng Covid-19 kéo dài đến tận bây giờ. Hôm 3/6, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM đề nghị chính quyền TP Thủ Đức và toàn bộ quận, huyện rà soát, thống kê lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội.

Việc rà soát mất khoảng mười ngày, cơ sở gửi danh sách về Sở để tổng hợp trình lên UBND thành phố hôm 21/6. Chỉ bốn ngày sau, HĐND TP HCM thông qua kinh phí 886 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn mùa dịch, trong đó 345 tỷ dành cho lao động tự do.

Lao động TP HCM nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người hôm 12/7. 

Từ lúc khảo sát, Sở có tiêu chí rõ ràng để các địa phương dễ dàng thống kê. Cụ thể, lao động tự do có cư trú hợp pháp tại địa phương; nếu tạm trú thì cơ quan công an xác nhận. Họ không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng mỗi tháng (theo mức chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025).

Thống kê mới nhất, lao động phi chính thức (lao động tự do) ở Việt Nam khoảng 20,9 triệu người, chiếm gần 41% lực lượng lao động. Nhóm này nằm ngoài lưới an sinh, không có giao kết hợp đồng, không bảo hiểm xã hội, không lương hưu. Gói 62.000 tỷ đồng ban hành năm ngoái hỗ trợ được hơn một triệu lao động tự do với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here