Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9

0
195
chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-9

Người dân khi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tùy thân; bỏ xếp loại học sinh tiên tiến ở bậc THCS và THPT… là các chính sách có hiệu lực từ 1/9.

Người dân làm sổ đỏ không cần nộp bản sao giấy tờ tuỳ thân

Theo Thông tư 09/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, từ hôm nay, người dân khi đi làm sổ đỏ không cần nộp bản sao các giấy tờ tuỳ thân như chứng minh thư, căn cước, sổ hộ khẩu. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết.

Quy định mới này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ khi đi làm các thủ tục. Hai tháng trước đó, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Bộ Công an xây dựng thành công, công bố vận hành.

Người dân đi làm Sổ đỏ không cần nộp bản sao các giấy tờ tuỳ thân như chứng minh thư, căn cước, sổ hộ khẩu nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Hỗ trợ người dân ổn định đời sống khi thu hồi đất

Thông tư nói trên của Bộ Tài nguyên Môi trường cũng quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất; đất do người dân nhận chuyển nhượng, thừa kế; đất do hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được giao nhưng đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất…

Bên cạnh đó, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, Nhà nước xem xét thu hồi nốt nếu người dân có đơn đề nghị. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ với phần diện tích đất còn lại phải được thể hiện trong phương án tái định cư.

Chung cư hết niên hạn sử dụng phải cải tạo

Nghị định 69/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9 tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo Nghị định số 101/2015. Nghị định mới nêu rõ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được coi là dự án tái định cư để áp dụng thu hồi đất, giao đất theo quy định của Luật Đất đai, gắn với chỉnh trang đô thị.

Nghị định xác định rõ nhà chung cư thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại gồm nhà phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ; nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền phải phá dỡ…

Nếu chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ, UBND cấp tỉnh quyết định hệ số bồi thường bằng 1 – 2 lần diện tích căn hộ cũ. Khi chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, mà chủ đầu tư có nhà đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư, và chủ sở hữu có nhu cầu, thì được bố trí tái định cư như cơ chế tái định cư tại chỗ.

chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-9
Khu nhà G6A nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình được đưa vào sử dụng từ năm 1987, có khe hở hình chữ “V” xuất hiện nhiều năm nay.

Thay đổi chế độ thai sản với lao động nam

Thông tư 06 năm 2021 do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành (hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội) có hiệu lực từ 1/9 quy định, trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con, trong khi người cha đủ điều kiện thì cha được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở hiện nay (2 lần mức lương cơ sở là 2,98 triệu đồng) tại tháng sinh, cho mỗi con.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ 5 ngày làm việc; nghỉ 7 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc…

Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở cấp THCS và THPT

Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu tực từ 5/9 bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Bên cạnh đó, việc xếp loại học lực của học sinh cũng không thực hiện dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây, mà học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số.

Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là “đạt” hoặc “chưa đạt”.

Với các môn học còn lại, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số thay vì chỉ chấm điểm như trước đây. Trong các bài kiểm tra, dự án, sản phẩm học tập, khi cho điểm giáo viên cũng cần đưa kèm nhận xét, để học sinh biết sự tiến bộ của mình, điều chỉnh thái độ, nỗ lực trong quá trình học tập. Đánh giá cuối cùng của các môn này vẫn bằng điểm số theo thang 10. Việc đánh giá học sinh theo Thông tư này được thực hiện theo lộ trình, từ năm học 2021-2022 áp dụng với học sinh lớp 6.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here