Chính phủ kêu gọi người dân cảm thông nếu phong tỏa diện rộng

0
181
chinh-phu-keu-goi-nguoi-dan-cam-thong-neu-phong-toa-dien-rong

Chính phủ kêu gọi sự ủng hộ và cảm thông của người dân nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly diện rộng để xử lý triệt để dịch bệnh.

Chiều 6/7, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dịch bệnh tại các tỉnh Đông Nam Bộ “cơ bản được kiểm soát”, tuy nhiên tại TP HCM vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đang lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận. Vì vậy, các đơn vị cần sớm có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài việc kêu gọi người dân cảm thông nếu TP HCM và các địa phương khác phải phong tỏa, giãn cách diện rộng, Thủ tướng nêu rõ Bộ Y tế, Công Thương, Giao thông Vận tải cần có kịch bản để phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư, nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Các biện pháp nhằm không làm xáo trộn lớn cuộc sống của người dân. Khi đã phong tỏa, kể cả diện rộng, chính quyền phải thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng phát hiện và kịp thời đưa F0 ra khỏi khu vực, không để lây chéo.

chinh-phu-keu-goi-nguoi-dan-cam-thong-neu-phong-toa-dien-rong
Kẹt xe tại chốt kiểm dịch Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM, tháng 6/2021.

Thủ tướng giao UBND TP HCM làm việc với các tỉnh lân cận để có biện pháp quản lý người ra vào, đảm bảo chống dịch hiệu quả và lưu thông hàng hóa. Lãnh đạo thành phố bám sát diễn biến dịch để quyết định ưu tiên trong mục tiêu kép, nhưng hiện nay cần tập trung chống dịch. Thành phố cần đưa ra những quyết định mạnh hơn khi áp dụng Chỉ thị 15, 16 và tự chịu trách nhiệm.

“Là trung tâm kinh tế của cả nước với nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn, việc quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nên cần được cân nhắc, thận trọng và xem xét thứ tự ưu tiên”, thông báo nêu.

Thành phố cần kết hợp hài hòa giữa biện pháp truyền thống và hiện đại, linh hoạt, sử dụng hiệu quả sức mạnh tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Bộ Y tế bổ sung nhân lực, phương tiện, hướng dẫn xét nghiệm cho các địa phương. Bộ Quốc phòng, Công an huy động lực lượng, nhất là Quân khu 7, cảnh sát cơ động, đại học, cao đẳng… hỗ trợ TP HCM chống dịch. Một số địa phương có kinh nghiệm như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh cũng được Chính phủ kêu gọi hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các tỉnh phía nam.

Bộ Y tế được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thí điểm để người dân tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà. Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phân luồng để không ách tắc vận tải hàng hóa và hành khách. Bộ Công Thương đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý nơi nào an toàn mới cho thi tốt nghiệp THPT; nơi nào chưa thì lùi hoặc hoãn.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, TP HCM ghi nhận 7.385 ca Covid-19, cao nhất cả nước, dù đã trải qua 36 ngày giãn cách xã hội. Tại cuộc làm việc trực tuyến với TP HCM chiều 6/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thành phố có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn sớm chấm dứt dịch, không để dây dưa kéo dài nữa.

Ngày mai (7/7), khoảng một triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó số thí sinh TP HCM gần 87.000. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here