Cần nhiều kịch bản năm học trong bối cảnh Covid-19

0
688
can-nhieu-kich-ban-nam-hoc-trong-boi-canh-covid-19

Nhiều nhà giáo đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nới khung kế hoạch năm học, chuẩn bị nhiều kịch bản, giúp địa phương chủ động trong dạy học.

Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022 với ngày tựu trường sớm nhất là 1/9, lớp 1 từ ngày 23/8; tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch. Cho rằng kế hoạch này không khả thi trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh, một số giáo viên đã đề xuất giải pháp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở trung tâm TP HCM nhìn nhận, 2021-2022 sẽ là năm học thử thách với cấp tiểu học, đặc biệt lớp 1. Bởi lẽ học sinh lớp lá không được học 4-5 tháng ở trường mầm non, khoảng thời gian lẽ ra các em được dạy nhận diện mặt chữ, con số. Bước vào lớp 1 bằng những tiết học online là không khả thi vì đây là giai đoạn quan trọng, các em phải được thầy cô chỉ bảo tận tay. Nếu không, trẻ sẽ có những lỗ hổng lớn, khó bù đắp sau này.

Giải pháp hiệu trưởng này đưa ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo nới thời hạn kết thúc năm học, không quy định cứng nhắc “kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch”. Với cấp tiểu học, năm học có thể khai giảng vào tháng 10, bế giảng vào tháng 7. Điều này không đồng nghĩa với việc chờ dịch tắt hẳn rồi mới cho học sinh đi học, ngược lại ngành giáo dục phải có các đầu việc giao nhà trường để không có khoảng thời gian chết.

“Giả sử TP HCM và một số tỉnh đang giãn cách khai giảng cấp tiểu học vào đầu tháng 10, từ ngày 20/8 đến khi đó Bộ giao các trường tổ chức dạy online, tạo thói quen học tập cho các bé. Khi hết dịch đi học trở lại thì dạy cái gì, như thế nào, với các lớp còn lại tổ chức ra sao, cần nêu rõ”, ông nêu ví dụ.

can-nhieu-kich-ban-nam-hoc-trong-boi-canh-covid-19
Thí sinh tại TP HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 7/7. 

Một giáo viên THCS tại TP Thủ Đức, TP HCM, cũng cho rằng khung kế hoạch năm học của Bộ cần độ mở lớn hơn, rộng hơn đến từng cấp quận huyện. “Chỉ một ca bệnh ở trường học thì trường hoặc lớp có thể phải ngưng hoạt động vài ngày hoặc một tuần. Rõ ràng cùng một quận nhưng giữa các trường, thậm chí giữa các lớp đã có tình huống khác nhau. Nếu bó khung trong những mốc thời gian cào bằng, thầy trò phải chạy đua rất mệt và không hiệu quả”, cô chia sẻ.

Theo cô giáo này, năm học trong bối cảnh dịch bệnh nên được xem là 12 tháng, thay vì 9 tháng như trước đây. Giáo viên, trường học chủ động đưa ra phương án dạy học riêng tùy tình hình, miễn đáp ứng đủ khối lượng kiến thức theo quy định chung. Riêng học sinh cuối cấp với những kỳ thi chung (lớp 9, lớp 12) sẽ được ưu tiên để hoàn thành sớm chương trình.

Nhà giáo Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đầu tư kỹ lưỡng, bổ sung vào quyết định khung chương trình những kịch bản cụ thể hơn.

Thứ nhất, Bộ cần tham khảo bộ ngành khác, tạm chia các địa phương với các cấp độ Covid-19 khác nhau. Giả sử ở thời điểm hiện tại, TP HCM có thể gọi là cấp độ 1, tức là nơi diễn biến phức tạp nhất. Từ đây, Bộ đưa ra hướng dẫn cụ thể cho nhóm địa phương này với các giải pháp: Tổ chức học; tổ chức thi, đánh giá; kế hoạch học online khi không thể đến trường. Với địa phương không có dịch, trường học tiến hành khung kế hoạch năm học bình thường.

Thứ hai, Bộ cần xây dựng chương trình chung về dạy và học online cho các địa phương. Ông Điệp đánh giá hai năm qua, các địa phương triển khai việc này mỗi nơi một phách, nhiều nơi hiệu quả không cao.

Thứ ba, khung năm học không nên bó hẹp như văn bản Bộ vừa công bố, bởi đây là phương án khi cuộc sống ở trạng thái bình thường. “Với vai trò là cơ quan đầu não ngành giáo dục, Bộ cần tính toán, dự báo và đưa ra giải pháp rộng, xa hơn. Không chỉ đại dịch, Bộ cần tính đến tình huống bão lũ, thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương”, ông Điệp đề xuất.

TS Lê Vinh Quốc, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM, cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị nhiều kịch bản năm học, trong đó tính đến phương án tinh giản chương trình. Với những nơi dịch bệnh phức tạp, không thể dạy đủ thời lượng quy định, địa phương có thể sử dụng ngay kịch bản tinh giản này. Điều này giúp hoàn thành năm học, vừa đảm bảo được kiến thức cơ bản cho học sinh. “Đây cũng là lúc Bộ cần tính toán phương án giao việc thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT về hẳn tỉnh thành”, ông Quốc nói.

Học sinh tiểu học tại TP HCM đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt trước khi vào lớp hồi tháng 4

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giải thích khung kế hoạch năm học để địa phương căn cứ, quyết định thời gian năm học cụ thể cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn. Đây là văn bản khung, áp dụng cho toàn quốc. Các mốc thời gian Bộ đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, không có nghĩa Bộ yêu cầu tất cả địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày.

Theo đó, địa phương có thể chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10, đồng nghĩa thời gian kết thúc năm học sẽ không phải là 31/5 mà là 15/6. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học thì địa phương báo cáo Bộ để có hướng dẫn đặc thù, sao cho vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa có thể hoàn thành kế hoạch năm học vào thời điểm phù hợp.

Khung kế hoạch năm học 2021-2022 với các mốc như sau:

– Tựu trường sớm nhất ngày 1/9, riêng lớp 1 từ ngày 23/8/2021.
– Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021.
Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.
– Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2022.
– Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.
– Thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ.
– Thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch.

Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần); đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT), có 32 tuần thực học.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here