Biden có thể đưa Mỹ trở lại vai trò ‘anh cả’ thế giới?

0
239
biden-co-the-dua-my-tro-lai-vai-tro-anh-ca-the-gioi

Bất chấp các khủng hoảng chất chồng trong nước, Biden được kỳ vọng sẽ hoạt động tích cực để đưa Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo vũ đài quốc tế.

Một thập kỷ trước, phó tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào phòng tiếp đón ở Athens để gặp tổng thống Hy Lạp, quốc gia lúc đó đang chìm trong nợ nần và bị mắc kẹt trong cuộc đàm phán căng thẳng với Liên minh châu Âu.

“Người này đại diện cho Bộ Tài chính”, Biden nói với tổng thống Hy Lạp, khi giới thiệu một thành viên trong phái đoàn của mình. “Ông ấy mang theo hàng trăm triệu USD”.

Cả căn phòng rộ tiếng cười. Rõ ràng phó tổng thống Mỹ không mang tới vali tiền giúp Hy Lạp trả nợ, nhưng câu nói đùa của ông đã cho thấy một sự thật rằng hồi năm 2011, rất nhiều người vẫn xem Mỹ là bên bảo trợ tối thượng của trật tự quốc tế. Biden rõ ràng xem ông như người tiếp quản di sản đó và kinh nghiệm 4 thập kỷ làm thượng nghị sĩ phụ trách các vấn đề đối ngoại cho phép ông có được sự tự tin đó.

biden-co-the-dua-my-tro-lai-vai-tro-anh-ca-the-gioi
Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill (phải) tại căn cứ không quân Andrews hôm 19/1.

Khi Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20/1 và cam kết “khôi phục các liên minh của chúng ta và gắn kết với thế giới một lần nữa”, nhiều người ở nước ngoài tự hỏi liệu họ có thể sớm gặp lại người đàn ông mang quan điểm “Mỹ lãnh đạo thế giới” này hay không.

Tại các thủ đô từ châu Âu tới châu Á, các nhà ngoại giao và chuyên gia chính sách đối ngoại tự hỏi liệu Mỹ có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu như trước đây, khi Washington đang quá chia rẽ, suy yếu và bận rộn với những cuộc khủng hoảng trong nước.

Tuy nhiên, có lý do để tin rằng Tổng thống Biden sẽ xuất hiện nhiều hơn và hoạt động năng nổ hơn kỳ vọng, ngay cả khi ông phải đối phó đại dịch, nỗ lực khôi phục kinh tế và giải quyết chia rẽ sâu sắc sau 4 năm nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Từ những người ông chọn cho các vị trí chính sách đối ngoại quan trọng tới các cơ hội công du ông có trong năm nay, nhiều người quen biết Biden cho rằng ông khó có thể rời xa sân khấu thế giới lâu.

“Đây là người đã dành 40 năm để làm quen với các lãnh đạo nước ngoài trên toàn cầu”, Peter Westmacott, người sống cạnh nhà Biden khi còn là đại sứ Anh tại Washington dưới thời tổng thống Barack Obama, nói. “Một khi bạn đã quan tâm tới các mối quan hệ quốc tế, bạn sẽ không quay lưng lại với tất cả những điều đó”.

Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức ở Mỹ, cho biết ông kỳ vọng Biden sẽ dùng các mối quan hệ cá nhân của mình để hàn gắn mối quan hệ với đồng minh châu Âu từng bị rạn nứt dưới thời Trump.

“Joe Biden là bậc thầy về kết nối và ông ấy sẽ dễ dàng khôi phục niềm tin bị đổ vỡ đó”, Ischinger, người điều hành Diễn đàn An ninh Munich, nhận định.

Mục tiêu trước mắt của Ischinger là thuyết phục tân Tổng thống Mỹ tham gia hội nghị thường niên quan trọng này. Ông có nhiều cơ hội thành công, khi Biden từng là thành viên chủ chốt ở Munich trong nhiều năm, đặc biệt là năm 2009, khi ông thông báo tổng thống Obama muốn tái thiết lập quan hệ với Nga.

Trong phát biểu nhậm chức, Biden nói rằng “thế giới đang dõi theo” nước Mỹ. Ông hứa hẹn Mỹ “đã trở nên mạnh mẽ hơn” sau thử thách căng thẳng gần đây. Ông cũng cam kết khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ, khi nói rằng “chúng ta sẽ dẫn dầu, không chỉ nhờ tấm gương về sức mạnh, mà còn nhờ sức mạnh của làm gương”.

Biden nhiều khả năng sẽ có màn ra mắt chính thức tại cuộc họp của nhóm lãnh đạo G7 tại Anh vào tháng 6 tới. Nhân chuyến đi đó, Tổng thống Mỹ cũng có thể tới thăm nhiều nước khác ở châu Âu, trong đó có Đức, để chia tay Thủ tướng Angela Merkel trước khi bà rời nhiệm sở sau 16 năm nắm quyền.

Tới mùa thu, Biden dự kiến tham gia cuộc họp của nhóm G20 ở Rome và hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow, Scotland, nơi ông có thể trình bày về quyết định tái tham gia Hiệp định Paris.

Ngoài các lịch trình trên, nhiều chuyên gia cho rằng các quyết định bổ nhiệm gần đây của Biden đã phác họa một bức tranh Nhà Trắng “không hướng nội” dưới thời ông.

Việc lựa chọn Kurt M. Campbell cho vị trí điều phối viên cấp cao về chính sách châu Á có thể báo trước về đường lối cứng rắn với Trung Quốc, cùng nỗ lực trấn an các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Từng là quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời Obama, Campbell đã đề xuất ý tưởng “xoay trục” sang châu Á.

“Biden chọn người hiểu biết và tận tâm với cạnh tranh chiến lược”, Thomas Wright, chuyên gia chính sách đối ngoại ở Viện Brookings, nói.

Một số chuyên gia tranh luận rằng vụ bạo loạn ở Đồi Capitol đã làm tổn hại vai trò truyền thống của Mỹ như người đấu tranh cho nền dân chủ, đồng thời các cuộc khủng hoảng trong nước chồng chất sẽ khiến Biden không có thời gian quan tâm nhiều tới vấn đề quốc tế.

“Các mục tiêu đối ngoại đầy tham vọng hoàn toàn không phù hợp với thực trạng rối loạn kinh tế và chính trị trong nước của Mỹ”, Emma Ashford, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, viết trong bài đăng trên tạp chí Foreign Policy. “Làm thế nào Mỹ có thể truyền bá dân chủ hoặc làm gương cho những nước khác nếu họ không có một nền dân chủ hoạt động hiệu quả ở quê nhà?”.

Nhưng Wrigth phản bác rằng chính những mối đe dọa với nền dân chủ trong nước sẽ củng cố quyết tâm của chính quyền Biden trong việc chống lại các hành động mà Mỹ cho là “vi phạm nhân quyền” ở nước ngoài.

Các chuyên gia chỉ ra các ưu tiên lớn trong nước của Mỹ như vấn đề đại dịch cũng chính là thách thức của toàn cầu.

Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ, bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) tại Nhà Trắng hồi năm 2011. 

Hiện còn quá sớm để dự đoán chính xác chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, nhưng giới chuyên gia tin rằng kinh nghiệm làm việc lâu năm trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khiến Biden khó có thể bỏ qua cơ hội để lãnh đạo sân khấu quốc tế.

Khi là phó tổng thống, Biden đã tích cực tạo dựng quan hệ với các lãnh đạo thế giới. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011, nhiều người hoài nghi khả năng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đang hồi phục sức khỏe sau một thủ thuật y tế, sẽ tiếp Biden. Nhưng ông Erdogan đã mời Biden tới tư gia của mình, nơi hai người đi dép lê và nói chuyện với nhau suốt hai giờ về Syria và Iran.

“Tôi không muốn nghe thấy những điều như thể tôi đang thổi phồng tầm quan trọng mối quan hệ của tôi với ông ấy”, Biden từng nói. “Nhưng chúng tôi luôn lắng nghe nhau. Ông ấy thực sự lắng nghe quan điểm của tôi và không bao giờ thách thức nó”.

Biden nổi tiếng vì luôn sẵn sàng nói chuyện thẳng thắn với các lãnh đạo nước ngoài về các quan điểm, đôi khi là chỉ trích gay gắt, nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp.

Giới chuyên gia nhận định chắc chắn những cuộc trao đổi với lãnh đạo nước ngoài với tư cách tổng thống sẽ hoàn toàn khác khi Biden còn là phó tổng thống. Trong chuyến thăm Hy Lạp năm 2011, Biden đã cân nhắc rất kỹ về những rủi ro khi bình luận về căng thẳng tài chính giữa Hy Lạp và EU.

“Bạn biết đấy, khi còn là thượng nghị sĩ, tôi có thể là chính mình”, Biden nói với phóng viên khi đó.”Tôi có thể nói về quan điểm của mình. Nhưng giờ, bất kỳ điều gì tôi nói đều được cho là quan điểm của chính quyền”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here