Bảy ngày sinh tồn dưới vực núi Yên Tử

0
172
bay-ngay-sinh-ton-duoi-vuc-nui-yen-tu

Trượt chân rơi xuống vực sâu 40 m ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) lúc đi lễ hôm 27/4, bà Liên phải mót rau rừng, bới rác tìm nước uống, 7 ngày sau mới được giải cứu.

“Đến bây giờ tôi vẫn chưa dám tin mình có thể sống sót một tuần ở nơi vực thẳm ấy”, bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, người vừa trở về sau 7 ngày mắc kẹt dưới khe núi Yên Tử, chia sẻ sáng 4/5, trong căn chung cư trên đường Trần Hữu Dực, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Tay, chân và cơ thể bà vẫn chằng chịt vết xước, bầm tím… dấu vết của quá trình trượt ngã xuống khe núi hôm 27/4.

Bà Liên kể, hôm 26/4, từ Hà Nội đi Quảng Ninh để lấy bốc thuốc Nam và đến thăm một người bạn nhưng không gặp nên hôm sau nảy ý định đi lễ tại Yên Tử. Do hành trình tự phát, bà không báo với gia đình.

Bà Bích Liên kể lại khoảng thời gian kẹt trên núi Yên Tử suốt 7 ngày, tại nhà riêng vào sáng 4/5.

Thời tiết hôm đó nắng đẹp, nhưng lên cao bắt đầu mưa phùn và gió. Sợ đi một mình, bà Liên ghép đoàn với nhóm khách vãng lai khoảng chục người.

Lễ xong, bà xuống núi, lúc này thời tiết tại khu vực chùa Đồng xuất hiện sương mù, không khí loãng và lạnh buốt, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường. Đi khoảng vài chục mét, bà thấy mệt nên ngồi nghỉ tại một phiến đá ven đường, bên cạnh có lan can và biển cảnh báo nguy hiểm. Lúc đứng dậy định đi tiếp, bà sảy chân ngã xuống vực khoảng 30 m. Người kẹt trong khe núi, đầu gối mắc vào rễ cây, chân mắc vào hốc đá và ngất lịm. Lúc đó bà mặc áo mưa và áo khoác dài (loại áo phao chống rét), lại có cây đỡ nên may mắn không bị thương nặng. Túi quần áo và điện thoại rớt xuống vực.

“Toàn thân tôi đau ê ẩm khi tỉnh dậy, không biết lúc đó là chiều tối hay sáng sớm, chỉ thấy trời vẫn sáng, vẫn nghe thấy có tiếng người bán hàng cười nói ở phía trên”, bà Liên hồi tưởng.

Thấy túi đồ lễ có gói cơm cháy và chai nước mắc trên cành cây trước mặt, bà túm lấy cây dây leo, tay với túi đồ nhưng tiếp tục trượt chân lần hai. Lần này, bà rơi thêm 10 m, kẹt ở khe núi đầy rác. Bên dưới là vực thẳm, bà Liên bảo không biết sâu bao nhiêu nhưng “ném thử vỏ chai xuống dưới không nghe thấy tiếng va chạm”.

Nhìn sang trái thấy có phiến đá phẳng, dài chừng 1,5 m, bên cạnh là tảng đá dựng thẳng đứng, có thể chắn gió, bà bám cành trúc, men sang và kêu cứu. Nhưng mưa rét cùng gió thổi mạnh khiến tiếng kêu chìm xuống, không ai biết. Bà Liên kể, cổ họng khàn đặc, đau rát vì gọi nhiều.

Đêm đầu tiên kẹt trong khe núi gặp mưa to, bà nhặt túi nilon kết thành mảng lớn quấn quanh người, phủ lên đầu để giữ nhiệt cho cơ thể, sau đan ngọn trúc thành mái che. Nơi trú ẩn có diện tích hẹp, bà chỉ có thể ngủ ngồi, thân nép vào phiến đá tránh mưa, lạnh. Hễ thấy tiếng người, bà lại kêu lớn mong ai đó nghe được nhưng tất cả đều vô vọng. Không ít lần bà bật khóc vì nhớ con, lo cho gia đình.

Bà Liên chỉ ra phần vết thương bầm tím, xây xát ở chân, tay sau khi được cứu thoát, sáng 4/5 tại nhà riêng.

Sau nhiều lần kêu cứu không thành, bà Liên xác định mình có thể bị mắc kẹt nhiều ngày, nên chia nhỏ gói cơm cháy, mỗi bữa ăn một miếng nhỏ bằng lòng bàn tay và nhấp ngụm nước đỡ khát. Nhưng chỗ cơm cháy cũng chỉ giúp bà cầm cự được hai ngày. Từ ngày thứ ba, bà bẻ cành trúc làm dụng cụ đào củ lạc tiên và hái lá dương xỉ mọc quanh phiến đá để ăn. “Đây là những kiến thức sinh tồn tôi đọc được trên sách, báo hoặc đâu đó, lúc ấy tự nhiên nhớ ra”, bà kể. Để có nước uống, bà bới đống rác tìm những chai nước bị du khách vứt xuống, bên trong còn chút sót lại.

Bảy ngày sống dưới vực, bà Liên đều gặp mưa, thi thoảng giữa trưa hửng nắng bà lại ra ngoài kiếm rau. Chân tay cũng bợt đi, da nhăn nheo vì ngấm nước. Phần vết thương trên tay, chân, bà nhai nát lá dương xỉ đắp lên, giúp giảm đau.

“Thú thực tôi không sợ đói, khát vì ở đây nhiều chai nước uống dở vứt lại, lại có rau rừng. Ban đầu không dám uống, nhưng sau khát quá phải uống tất”, bà kể. Ngoài ra, bà cũng thử tìm bật lửa, định nhặt lá rừng đốt làm tín hiệu cầu cứu, “nhưng chiếc thì han gỉ, chiếc thì hết ga”.

“Mấy ngày đầu tôi cố giữ tinh thần tỉnh táo, nhưng đến ngày thứ 5-6 bắt đầu hoảng loạn, lo chết trong rừng già, không được nhìn mặt chồng con lần cuối”, bà Liên kể.

May mắn cuối cùng cũng đến vào ngày 2/5 khi bà tìm được chiếc ấm nước bằng inox lúc bới rác. Người phụ nữ 59 tuổi bắt đầu gõ thật mạnh và la hét để tạo sự chú ý. Đến hơn 9h sáng 3/5, cán bộ Ban Quản lý khu di tích vườn quốc gia Yên Tử phát hiện ra có tiếng kêu cứu. Khoảng một tiếng sau, đội cứu hộ giải cứu được bà Liên.

“Sống sót sau 7 ngày mắc kẹt dưới khe núi là một kỳ tích, lần đầu tiên xảy ra ở Yên Tử. Người bình thường rơi xuống vực, không sứt đầu cũng mẻ trán, cũng gãy tay chân, thậm chí là tử vong. Các nạn nhân tôi từng cứu đều thương tích nặng, đa chấn thương, riêng bà Liên là ngoại lệ”, ông Nguyễn Minh Thuận, nhân viên Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, nói.

Ông Thuận kể, sáng 3/5 khi ra khu vực cách chùa Đồng khoảng 50 m về phía Tây Nam kiểm tra công tác dọn vệ sinh, ông nghe thấy tiếng kêu cứu dưới vực. Ban đầu chưa xác định được vị trí, các nhân viên tản ra tìm. Đến khu vực sâu được cắm biển báo nguy hiểm, có lắp hàng rào từ sau chùa Đồng dọc theo vách đá kéo dài đến quảng trường An Kỳ Sinh, ông nghe thấy tiếng kêu rõ hơn.

Xác định được vị trí, ông Thuận và đồng nghiệp tên Mạnh thả dây thừng trèo xuống tìm kiếm. Lúc tiếp cận, đội cứu hộ thấy bà Liên mặc áo mưa quấn kín người, bên trong mặc áo phao dài đến đầu gối, nơi trú ẩn là phiến đã vững chắc, kín gió, khá an toàn. Nạn nhân hoảng sợ, mệt lả, chân tay xây xát, bầm tím, bốc mùi hôi thối nhưng tinh thần tỉnh táo, trong người có vé cáp treo và vãn cảnh Yên Tử ghi ngày 27/4.

Nhiều năm kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ ở núi Yên Tử, ông Thuận phỏng đoán bà Liên không bị gãy chân, tay có thể là do trượt chân theo kiểu nằm sấp, tụt xuống. Tay bấu víu vào cành cây, khiến toàn bộ thân trước bị xây xát.

Trước thông tin cho rằng người phụ nữ 59 tuổi tự đi xuống vách đá, nam nhân viên cứu hộ khẳng định, không thể có ai đó tự trèo xuống được vì khu vực phía Tây Nam chùa Đồng đều là vách đá dựng đứng, gió thổi mạnh. “Người thông thuộc địa hình như chúng tôi còn chẳng dám trèo xuống, nguy hiểm vô cùng. Nếu không vì cứu người không bao giờ tôi mạo hiểm. Nạn nhân cũng không thể biết dưới vực có chỗ ngồi vì từ trên cao nhìn xuống không thấy”, ông nói.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, khu vực chùa Đồng có địa hình hiểm trở, đội cứu hộ đã phải dùng dây thừng đu người từ trên cao xuống mới tiếp cận và đưa bà Liên lên. Cũng theo ông Dũng từ năm 2010 đến nay, ngoài bà Liên, đã có 5 người bị rơi xuống vực sâu trên Yên Tử. Tất cả đều bị chấn thương nặng.

Bà Liên lúc được tìm thấy sáng 3/5.

Ông Hoàng Phúc Khánh, 65 tuổi, chồng bà Liên, cho biết ngày 26/4 khi đã đến Quảng Ninh vợ vẫn gọi điện về, nhưng một ngày sau thì mất liên lạc. Lo vợ gặp tai nạn, ông nhờ bạn bè, người thân đến các bệnh viện tìm kiếm, nhưng không có tung tích. Ngày 28/4, ông làm đơn trình báo công an quận Nam Từ Liêm và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. “Cả tuần không có tin tức, tôi như tuyệt vọng. Hai con gái đang ở nước ngoài khóc hết nước mắt. Gia đình tôi còn xác định tình huống xấu nhất”, ông thở dài.

Sáng 3/5, ông Khánh nhận được điện thoại báo tin vợ ông vừa được cứu thoát sau một tuần mắc kẹt dưới vực. Tối cùng ngày, bà Liên được Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đưa về tận nhà.

“Gia đình tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn. Nhờ có đội cứu hộ, vợ chồng tôi được đoàn tụ, con cái được gặp mẹ”, ông Khánh nói.

Sau vụ tai nạn, bà Liên khuyến cáo người dân khi đi lễ cần cẩn trọng, tránh những khu vực trơn trượt, hạn chế đi một mình. Bà cũng nhắc mọi người cần trang bị kỹ năng sinh tồn, giữ tâm lý ổn định nếu nơi vào tình huống nguy hiểm. Hiện, sức khỏe bà đã ổn định, trong vài tới sẽ đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here