5 bước truy vết người tiếp xúc ca dương tính nCoV

0
290
5-buoc-truy-vet-nguoi-tiep-xuc-ca-duong-tinh-ncov

Xác định mốc dịch tễ, thông báo cho bộ phận điều phối… là hai bước đầu tiên trong số 5 bước truy vết người tiếp xúc với ca dương tính nCoV.

Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với ca dương tính nCoV, ngày 3/12.

Theo đó, trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác thời gian qua, Bộ Y tế nêu rõ việc truy vết F1 được thực hiện trên nguyên tắc “càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh”.

Cơ quan chức năng xác định các mốc dịch tễ trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc; sử dụng đồng thời nhiều lực lượng để truy vết nhanh theo các mốc phát hiện được. Mốc dịch tễ là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đến hoặc tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi được cách ly.

Các đơn vị đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 sớm nhất; sau đó truy vết F2.

Bước một trong quy trình truy vết F1 là xác định các mốc dịch tễ do cán bộ điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh, hoặc trung tâm y tế cấp huyện, cùng chính quyền địa phương, y tế cơ sở thực hiện. Truy vết có thể thông qua hỏi trực tiếp bệnh nhân hoặc qua điện thoại; hỏi người thân, bạn bè, hàng xóm, tổ dân phố; tham khảo bệnh án, hồ sơ.

Bước hai, thông báo các mốc dịch tễ cho bộ phận điều phối truy vết. Bộ phận này đặt tại khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm của CDC cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế huyện.

Sau khi xác định các mốc dịch tễ, cán bộ điều tra truy vết thông báo ngay cho bộ phận điều phối bằng mọi phương tiện nhanh nhất như điện thoại, tin nhắn… Còn bộ phận điều phối thông báo ngay cho chính quyền địa phương, hệ thống giám sát, y tế cơ sở nơi có các mốc dịch tễ; đồng thời điều động nhiều đội truy vết đồng loại tới những nơi này. Nếu mốc dịch tễ nằm ngoài địa bàn quản lý thì thông báo cho đơn vị liên quan.

Bước ba, các đơn vị triển khai truy vết F1 đồng thời bằng nhiều biện pháp như hỏi người bệnh; truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống; tại mốc dịch tễ; qua phương tiện thông tin đại chúng; thông qua ứng dụng Bluezone, Vietnam Health Declaration.

Bước bốn, tất cả các đội truy vết từ các nơi gửi nhanh danh sách F1 về bộ phận điều phối bằng các chụp danh sách, gửi về qua Zalo, Viber…, theo nguyên tắc “truy vết được đến đâu, gửi ngay danh sách đến đó”, và tiếp tục cập nhật đến khi hoàn thành. Bộ phận điều phối tổng hợp ngay danh sách này và thông báo cho chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp để cách ly F1.

Bước năm, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và chính quyền địa phương bố trí phương tiện đưa F1 đi cách ly; lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Sau khi cơ bản hoàn thành truy vết F1, các đơn vị truy vết F2 bằng cách phát biểu mẫu tự cung cấp thông tin về F2 cho F1 tự khai báo. Sau khi lập danh sách, F2 sẽ được chuyển về địa phương để cách ly tại nhà.

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam đang thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Vì vậy, truy vết là khâu rất quan trọng để phát hiện những người có thể lây bệnh.

Thời gian qua, khi xảy ra ổ dịch tại các địa phương, bên cạnh những đội truy vết F1, F2 ở cơ sở, vẫn luôn có những đội truy vết bằng công nghệ thông tin để hỗ trợ. Các đội truy vết bằng nhiều phương pháp khác nhau đã góp phần nhanh chóng tìm ra F1, F2.

“Hướng dẫn này đã hệ thống lại các bước truy vết F1, F2 một cách tối ưu nhất, dựa trên kinh nghiệm chống dịch thời gian qua. Trên cơ sở này, các địa phương sẽ áp dụng vào từng trường hợp cụ thể, nhưng đảm bảo truy vết bài bản, nhanh chóng mỗi khi xảy ra ca lây nhiễm cộng đồng”, ông Phu nói.

Đầu tháng 3/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã tổ chức nhóm khoảng 300 tình nguyện viên gồm cán bộ Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, sinh viên trong và ngoài nước để phân tích dữ liệu, truy vết theo dấu dịch tễ các ca F1, F2. Nhóm được Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ hỗ trợ về điều kiện làm việc, sinh hoạt và đã huy động được hàng chục nghìn tình nguyện viên ở các địa phương. Những lúc xảy ra các ổ dịch lớn như tại Hà Nội, Đà Nẵng… nhóm chia ca làm việc liên tục ngày đêm để phân tích dữ liệu, kết nối với các nơi, để truy vết F1, F2.

Bộ Y tế định nghĩa, F1 là người có tiếp xúc gần 2 mét với ca bệnh nCoV trong khoảng từ 3 ngày trước khi khởi phát, đến khi ca bệnh được cách ly. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính từ ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được như sốt, mệt mỏi, đau người, gai người ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, sốt, ho, đau họng… Nếu người lành mang trùng (không có triệu chứng) thì ngày khởi phát là thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm dương tính nCoV.

F2 là người tiếp xúc gần 2m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh cho đến khi được cách ly.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here